Các chi họ Đồng ở thành phố Chí Linh

Thứ bảy - 27/06/2020 10:18 980 0
Họ Đồng là một dòng họ xuất hiện khá sớm ở vùng đất Chí Linh xưa. Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Nhân Huệ, dựa vào các bản ngọc phả, thần phả trong xã cho biết: “…vào khoảng những năm 1226 - 1227, họ Đồng đến lập nghiệp ở xóm Dâu (Triền Dương), tổng Cổ Châu (nay thuộc xã Nhân Huệ)…”. Như vậy, họ Đồng đã đến đây sinh sống gần 800 năm. Xét theo địa giới hành chính cũ, nhân vật họ Đồng Chí Linh đầu tiên được biết đến trong lịch sử là Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương – vị tổ thứ 2 của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân (tức 23 tháng 5 năm 1284), niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 đời vua Trần Nhân Tông, tính ra đến nay 735 năm. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, họ Đồng ở Chí Linh còn có nhiều nhân vật được lưu danh trong sử sách nước nhà như Tiến sĩ Đồng Thức ở tổng An Điền thời nhà Trần, 6 tiến sĩ nho học ở tổng Cổ Châu thế kỉ XVI-XVII.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu họ Đồng thành phố Chí Linh lần thứ nhất
Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu họ Đồng thành phố Chí Linh lần thứ nhất
Vùng đất Chí Linh xưa hiện nay gồm toàn bộ thành phố Chí Linh, một phần huyện Nam Sách và thành thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ngày nay. Qua khảo sát sơ bộ, ở thành phố Chí Linh hiện nay có 8 nhánh họ Đồng đang sinh sống tại thành phố Chí Linh hiện nay tập trung ở xã Hưng Đạo và các phường Văn Đức, Cổ Thành, Phả Lại với trên 3500 người, tập trung ở 2 khu vực:
+ Khu vực thứ nhất là KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức (xưa là tổng Vĩnh Đại) với 3 chi họ: Đồng Bá, Đồng Thế, Đồng Văn với trên 1500 nhân khẩu.
+ Khu vực thứ 2 là các chi họ Đồng Đăng, Đồng Tố, Đồng Văn ở các KDC Cổ Châu, Nam Gián (phường Cổ Thành), Bình Giang, Phao Sơn (phường Phả Lại) – đây là các địa danh thuộc tổng Cổ Châu xưa[1], với trên 2000 nhân khẩu và gần 50 nhân khẩu thuộc chi họ Đồng Văn ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo (xưa thuộc tổng Chi Ngãi).
Các nhánh họ Đồng này đa số đều chưa xác định được nguồn gốc, gia phả chỉ ghi được từ 10 đến 15 đời, xuất hiện tại Chí Linh từ 300-400 năm và chưa có bằng chứng thể hiện sự liên quan đến các nhân vật họ Đồng nổi tiếng ở Chí Linh trong lịch sử [2]. Tuy nhiên, theo gia phả của nhiều nhánh họ Đồng trên cả nước, có ghi nguồn gốc là ở Chí Linh. Đây là điều các nhà nghiên cứu cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thêm.
Ba nhánh họ Đồng ở KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức đều chưa xác định được nguồn gốc cụ thể. Ở đây, cả 3 nhánh họ Đồng này không liên quan gì đến nhau, có thể kết hôn với nhau được và trên thực tế đã có nhiều trường hợp kết hôn. Họ Đồng ở Khê Khẩu sống chủ yếu làm nghề nông nghiệp, trồng trọt. Cuộc sống trước kia tuy có vất vả, nhưng ngày nay rất nhiều gia đình có kinh tế khá giả, xây được cơ ngơi khang trang, con cháu học hành tương đối thành đạt.
Họ Đồng Bá là một dòng họ lớn ở KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức. Hiện nay dòng họ có 3 ngành, mỗi ngành có 3 chi, đã trải qua 10 đời với trên 165 hộ, trên 600 nhân khẩu. Cụ tổ là Đồng Quý Công (tự Phúc Trung), tên thật là Đồng Bá Trung.  Hiện nay, dòng họ đã thành lập được Hội đồng gia tộc gồm 18 người đại diện cho 3 ngành tham gia để duy trì và điều hành các hoạt động của dòng họ. Do chưa có nhà thờ họ nên hiện nay việc thờ cúng của dòng họ được tổ chức ở nhà trưởng họ. Trưởng họ hiện nay là ông Đồng Bá Trận, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Bá Binh.
Họ Đồng Văn là một trong ba dòng  họ lớn, có mặt sớm tại KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức. Theo truyền ngôn các cụ kể lại thì dòng họ có nguồn gốc từ thôn Chằm Ngăm, xã Gia Phó, huyện Gia Lương (nay là Gia Phú, Gia Bình), tỉnh Bắc Ninh về Khê Khẩu sinh sống cách đây hơn 400 năm. Cụ Tổ là Đồng Quý Công - Tự Phúc Hưng sinh được 5 trai, 1 gái. Tính đến tháng 4/2012, đã có 10 đời, với 145 hộ, 655 khẩu, trong đó nam 259, nữ 396. Hiện nay, dòng họ đã thành lập được Hội đồng gia tộc gồm 19 người đại diện cho 5 chi ngành tham gia để duy trì và điều hành các hoạt động của dòng họ. Dòng họ có nhà thờ khang trang, rộng rãi khánh thành năm 2017. Trưởng họ hiện nay là ông Đồng Văn Vũ, thư ký Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Văn Lâm.
Theo truyền ngôn của các cụ cao niên kể lại, cách đây trên 300 năm vào khoảng đầu thế kỷ 18, cụ ông Đồng Thế Khánh (tự Phúc Khánh), cùng cụ bà Đồng Thị Thái từ làng Chằm Ngăm, xã Gia Phó (có thể ở Gia Lương – Bắc Ninh ngày này) về trang Khê Khẩu lập nghiệp và là cụ tổ của họ Đồng Thế. Hiện nay, dòng họ đã trải qua 12 đời, có 7 ngành, với tổng số 170 suất đinh và trên 300 nhân khẩu. Trưởng họ thừa trọng tôn hiện nay là ông Đồng Thế Hưng, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Thế Trung.
Họ Đồng Tố và Đồng Trọng gọi chung Đồng Tố, cư trú chủ yếu ở phường Cổ Thành – Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Hiện nay dòng họ có 4 chi, 12 ngành với 235 suất đinh, với dân số khoảng 500 người, trải qua 14 đời. Cụ tổ là Đồng Quý Công húy Thành, lăng mộ táng tại Đồng Đỗ xứ, KDC Nam Gián, phường Cổ Thành. Nhà thờ họ được xây dựng trên núi Rùa Vàng, Sùng Nghiêm, KDC Bình Giang, phường Phả Lại. Trưởng tộc Thừa trọng tôn là ông Đồng Tố Kim, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Tố Tuế.
Họ Đồng Đăng ở KDC Cổ Châu, phường Cổ Thành có cụ tổ tên là Đồng Đăng Siêu. Trải qua hơn 300 năm phát triển, đến nay dòng họ đã trải qua 11 đời, có 2 chi, 4 nhánh với 150 hộ và hơn 500 khẩu (Cả nam và nữ) và 200 xuất đinh. Dòng họ phân bố chủ yếu KDC Cổ Châu, phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngoài ra huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có hơn 20 hộ gần 100 khẩu; thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám có hơn 10 hộ với 50 khẩu. Trưởng họ hiện nay là ông Đồng Đăng Lược, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Đăng Quyên.
Theo gia phả của các cụ để lại, họ Đồng Văn ở KDC Nam Đoài, phường Cổ Thành xuất phát từ Án Xuyên, huyện Kinh Môn xưa (nay là thôn Hán Xuyên - xã Thất Hùng - huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương). Cụ tổ là Đồng Tiến Thiện, có vợ là Phạm Thị Mãi. Sinh thời hai cụ sinh được 4 người con (3 con trai và 1 con gái). Hiện dòng họ có 4 chi, 10 ngành, và có 21 hộ, phân bố ở các địa phương như: phường Cổ Thành, phường Phả Lại (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh): 5 hộ, huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước): 2 hộ, tổng cộng có 65 xuất đinh, với 147 khẩu (cả nam và nữ). Trưởng họ hiện nay là ông Đồng Văn Thanh, Thư ký Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Văn Quyền.
Họ Đồng Văn ở KDC Phao Sơn, phường Phả Lại, có xuất xứ từ Gia Phó, Gia Bình, Bắc Ninh, từ năm 1634. Cụ tổ dòng họ là Đồng Quý Công tự Phúc Lãm. Hiện nay dòng họ đã trải qua 15 đời, có 2 chi, với 76 hộ, 208 khẩu với trên 100 suất đinh. Trưởng họ hiện nay là ông Đồng Duy Tân, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc là ông Đồng Chí Văn.
Họ Đồng Văn ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo có 3 hộ gia đình với 47 nhân khẩu, các hộ gia đình đều là hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở gần đền Kiếp Bạc. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc, dòng họ có 1 liệt sĩ. Dòng họ có 1 nhà thờ rộng 35m2 xây dựng chắc chắn trên khuôn viên 80m2. Dòng họ có nghĩa trang riêng ở địa phương rộng 300m2. Trưởng họ hiện nay là ông Đồng Văn Nhuận, thư ký dòng họ là ông Đồng Văn Khoát.
 

[1] Tổng Cổ Châu xưa gồm 9 xã: Cổ Châu; Nam Gián; Phao Sơn; Phao Tân. Lý Dương.; Tu Linh; Chí Linh; Đáp Khê; Linh Giàng. Hiện nay, các địa danh này thuộc xã Nhân Huệ, phường Cổ Thành và phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
[2] Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Triều Mạc đã lấy 1 phần đất Thanh Lâm, Chí Linh ngày nay làm căn cứ chống lại triều Lê -Trịnh. Có thể một số vị Tiến sỹ làm quan to như Đồng Hãng (làm quan Thượng thư Bộ Lại) thời Mạc Tuyên Tông nên sau khi Mạc triều chạy lên Cao Bằng, con cháu họ Đồng sợ bị liên lụy đã giấu hết nguồn gốc hoặc đã bị tàn phá hay họ Đồng di cư đi nơi khác nên mất hết sử liệu ghi chép về các vị tổ tiên xưa. Có 1 nhánh họ Đồng ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội có con cháu truyền đời làm nghề dạy học, giỏi chữ nghĩa đã chép lại gia phả và cho biết về nguồn gốc Tổ tiên: Từ Chí Linh, một nhánh di cư vào Thạch Hà, Hà Tĩnh là tổ của Đô chỉ huy sứ Đồng Văn Năng; một nhánh vào Quỳnh Lưu, Nghệ An và lập ra tổ Đồng Như Hồng, Đại tướng quân, quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Hậu duệ của cụ Đồng Như Hồng là Đồng Quang Thịnh trốn lính ra Thăng Long làm nghề dạy học, định cư ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Điều này trùng khớp với các Gia phả của họ Đồng Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và Quỳnh Lưu, Nghệ An vẫn còn giữ được Gia phả.

Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây