Chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh

Thứ bảy - 27/06/2020 11:06 1.283 0
Chùa Thanh Mai là nơi an nghỉ của Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330).
1.1. Dấu tích thiền phái Trúc Lâm
Chùa Thanh Mai là một trong những cơ sở quan trọng của thiền phái Trúc Lâm Việt  Nam, có quan hệ trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của Pháp Loa. Năm 1329, Pháp Loa đã tiến hành mở sơn cảnh Thanh Mai. Theo văn bia tại di tích, thì chùa Thanh Mai được xây dựng trên núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo, thuộc xã Đỗ Xá, huyện Phượng Sơn thời Trần. Thế kỷ 19 Thanh Mai thuộc tổng Trạm Điền, huyện Chí Linh, nay là một thôn của xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh.
Đầu thế kỷ này, Thanh Mai còn là chốn rừng sâu nước độc, rùng rợn với câu “Nước Thanh Mai đi hai về một”. Nghĩa là cứ hai người đến Thanh Mai thì không bao lâu sau chỉ còn một người trở về. Vì thế mà đầu thế kỷ 18 Thanh Mai chỉ là một xóm nhỏ gồm 6 dân tộc Tày, Ao Tá, Sán Dìu,… thuộc xã Cao Xá, cách đó tới 8 km về phía nam. Xã Hoàng Hoa Thám mới được xác lập sau cách mạng tháng 8, dân lúc đó cũng chỉ vài gia đình. Hiện Thanh Mai là một xã trù phú, xanh mướt những vườn cây ăn quả và là xã còn giữ được rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh.
Rừng tự nhiên điển hình ở đây với 2 loại cây: Trám và dẻ cùng nhiều loại gỗ quý như; lim, sến, lát,…mỗi năm khi mùa đông tới, hoa dẻ nở trắng rừng, còn lá tram ngả màu vàng rực, tạo nên bức tranh độc đáo của Thanh Mai. Chim trong rừng Thanh Mai khá phong phú với mật độ cao, nay đã bị săn bắn nhiều nhưng gần đâu người ta vẫn they gà lôi, lợn rừng và nhiều loại chim thú quý hiếm. Từ chân núi lên chùa chừng 2km, xưa là đường mòn luồn dưới chân trám, nay đã được cải tạo để ô tô có thể lên tận chùa.
Chùa Thanh Mai xây dựng trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía nam. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi. Nội tự là một rừng cây cảnh và cây ăn quả lâu đời như đại, thị, nhãn, quéo, đại trà là là vải chua hay còn gọi là vải tu hú (vì vải chin vào tháng 3, đúng vào thời gian tu hú gọi bầy). Ba mươi năm trước chùa còn những cây tùng, cây bách lớn nhưng đã bị chặt phá cùng với sự sụp đổ của ngôi chùa cổ từng tồn tại và được ghi nhận trong lịch sử hơn 6 thế kỷ trước. Cổ vật mất và hư hại hầu hết. Nay chùa đã được khôi phục từng phần trên di tích của một công trình lớn gồm: Tiền đường 7 gian, tam bảo 5 gian, 2 dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Phía sau là tháp Viên Thông, xây dựng từ năm 1334. Phía trước có 7 ngôi tháp. Trong đó có Phổ Quang Tháp xây dựng  năm Chính Hòa 23 (1702), Linh Quang Tháp, xây dựng năm Chính Hòa 24 (1703).
Tại di tích còn 7 tấm bia có giá trị gồm: Thanh Mai Viên Thông Tháp bi, khắc dựng năm Đại Trị ngũ liên (1362), Trùng tu Thanh Mai tự bi, Hoằng Định thập niên (1610), Trùng tu Phật Tích Sơn bi ký, Vĩnh Thịnh nhị niên (1707), Trùng tu Phật tích sơn, Thanh Mai tự bi ký, Vĩnh Thịnh tam niên (1708), Bia trên tháp Phổ Quang(1702), Bia trên tháp Linh Quang (1703), Bia trên tháp Viên Thông (1718). 
1.2. Thiền sư Pháp Loa với chùa Thanh Mai
Không chỉ nằm trong vùng rừng núi có phong cảnh trữ tình, chùa Thanh Mai còn hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa, lịch sử còn lưu giữ gắn với cuộc đời, sự nghiệp của thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm. Trong số 7 văn bia còn ở chùa thì bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi có giá trị hơn cả. Có thể nói đây là một bảo vật của quốc gia, với cách viết văn ngắn gọn, hàm ý sâu xa và giầu hình tượng.
Văn bia nói về thân thế và sự nghiệp của đệ nhị tổ thiền phái trúc lâm, nhưng qua đó có thể thấy được tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Văn bia còn cho thấy thời gian xây dựng những công trình lớn, địa danh và hành trạng của nhiều nhân vật đương thời.
Văn bia cho biết, Pháp Loa nguyên là Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc xã Ái Quốc, huyện Nam Sách. Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến đến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương ra bái yết. Vua nhận thấy Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo, liền cho đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui.
 Hỷ Lai thông minh, hiếu học, có nhiệt tâm với đạo Phật, nên chỉ một năm sau tại liêu Kỳ Lân (Chí Linh), ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông ban cho Pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1307), Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa các bảo bối và ngày 1 tháng giêng năm Hưng Long 16, trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó ông trở thành vị tổ thức 2 của thiền phái này.
Ngày 5 tháng 2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa đang giảng kinh ở Viên An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13-2, sư về Quỳnh Lâm (Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19-2, bệnh trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho mời Huyền Quang đến, trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tông trao cho ông trước khi qua đời như áo cà sa, kệ tả tâm…và nói “Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”.
Đêm 03/3, Pháp Loa viên tịch tại Viện Quỳnh Lâm. Theo di trúc của nhà sư, xá lỵ của người được đặt trong tháp sau chùa Thanh Mai. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút đặt tên hiệu cho sư là Tĩnh trí tôn giả và tên tháp là Viên Thông, xuất ngân khố 10 lạng vàng cho việc xây tháp và làm một bài thơ viếng đầy xúc cảm. Đây là ân sủng hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Kể từ đó, sự nghiệp của thiền phái Trúc Lâm do Huyền Quang chủ trì và trở thành vị tổ thứ 3 của thiền phái này.
Cuộc đời của Pháp Loa không dài nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ông đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dậy 15.000 tăng ni; đúc trên 1300 pho tượng lớn, nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và viện nghiên cứu phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này đều trở thành di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và dành nhiều thì giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao.
Chùa Thanh Mai là một trung tâm tôn giáo của thiền phái Trúc Lâm ở chốn rừng sâu, núi cao. Sự hiện diện của di tích đã chứng minh cho tính phi thường của tôn giáo thời Trần. Kỷ niệm ngày mất của Pháp Loa đã trở thành hội chùa hằng năm. Hội bắt đầu từ mùng một đến mồng ba tháng ba. Tuy nhiên, do cảnh quan kỳ thú mà Thanh Mai bốn mùa không vắng khách thăm quan. 
Một góc chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh

Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây