Triều Dương (Chí Linh) phát lộc họ Đồng đại khoa

Chủ nhật - 24/12/2023 19:00 1.656 0
Nằm trong vùng 'long sơn giáng khí', Triều Dương không chỉ được xem là vùng đất thiêng mà còn sản sinh 6 vị đại khoa để lại nhiều danh vọng cho đời.
Nhà thờ thuộc nhánh họ Đồng ở Nam Gián, Cổ Thành (Chí Linh - Hải Dương).
Nhà thờ thuộc nhánh họ Đồng ở Nam Gián, Cổ Thành (Chí Linh - Hải Dương).

Nếu như họ Vũ ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang (Hải Dương) làm nổi danh khoa bảng, thì họ Đồng ở Triều Dương (Chí Linh) cũng không kém tiếng.

Với truyền thống khoa bảng, các vị đại khoa không chỉ đặt nền móng cho sự học mà còn để lại tấm gương cùng những giai thoại bất hủ về lòng kiên trì để tạo lập “làng Tiến sĩ xứ Đông”.

Đất thiêng Chí Linh

Theo sách “Chí Linh phong vật chí”, phần di cảo của Cao Biền nói về thế đất của Chí Linh như sau: Chí Linh cổ phao, thủy thâm sơn cao/ Long sơn giáng khí, hổ lực phao giao. Ở đó trên núi có thành cổ vây quanh nên sách sử ký gọi là Chí Linh cổ thành (hay Phao Sơn cổ thành).

Cũng theo “Chí Linh phong vật chí”, phía Đông huyện có năm dãy núi, một dải cát nổi lên như hình chim nhạn, sắc trắng như bạc, chiều dài chừng vài mươi trượng, cao vài thước, người ta gọi là bãi Bạch Nhạn, gần trông như bạc, xa trông như nước.

Tục truyền có câu: “Bạch Nhạn sinh mao, sinh tận anh hào” (Nhạn trắng mọc lông, người sinh ra hết thảy đều anh hùng). Ngôi mộ tổ họ Hoàng, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, táng tại núi này, chính là đối diện với bãi cát ấy.

Tại đây kế tiếp sinh được 18 vị Tiến sĩ. Gần đây cỏ xanh mọc lên, mười phần chỉ còn ba bốn. Tiệm cận nơi này, có chùa Sùng Nghiêm dựng ở địa phận xã Nam Gián. Thày địa lý bảo đó là: “An Nam quý cục” nghĩa là: “Thế đất quý báu của nước An Nam”.

Nếu nhìn tổng quan lấy xã Cổ Bi làm chi giữa, thành Thăng Long làm chi hữu, xã Nam Gián làm chi tả. Phía sau chùa Sùng Nghiêm có một khu phủ lỵ cũ, dựng từ triều Lý, đến triều Trần có tu sửa lại am chùa. Trong hai triều này các hậu phi thường đến đây du ngoạn,…

Chính ở nơi phong thủy hữu tình này, họ Đồng đã cư trú ở đây từ lâu đời với 6 Tiến sĩ nho học ở xã An Xá (Tu Linh) và xã Lý Dương (Triều Dương), tổng Cổ Châu (nay thuộc phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh). Hai địa danh xã An Xá (Tu Linh) và xã Lý Dương (Triều Dương hay Triền Dương) có nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính.

Vào thời Nguyễn, hai địa danh này thuộc tổng Cổ Châu, huyện Chí Linh. Sau năm 1945, Tu Ninh và Lý Dương thuộc xã Nhân Huệ. Năm 1981, thôn Phao Sơn của xã Cổ Thành thuộc huyện Chí Linh sáp nhập vào thị trấn Phả Lại và đưa các thôn Cổ Châu, Lý Dương, Đồng Tâm, Hoà Bình và các xóm An Thành, Ninh Giàng, Tu Ninh của xã Nhân Huệ sáp nhập vào xã Cổ Thành. Lúc này, Tu Ninh và Lý Dương thuộc xã Cổ Thành (Chí Linh). Năm 2019, Tu Ninh và Lý Dương trở thành 2 khu dân cư của phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh.

Theo sách sử địa phương và các bản ngọc phả, thần phả cho biết: “…vào khoảng những năm 1226 - 1227, họ Đồng đến lập nghiệp ở xóm Dâu (Triền Dương). Vùng đất này rất gần với Lục Đầu Giang - nơi có vị trí đặc biệt bởi sự gặp gỡ của 6 dòng sông (sông Thương, Cầu, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình).

Bản đồ huyện Chí Linh trong sách “Đồng Khánh dư địa chí”.

Bản đồ huyện Chí Linh trong sách “Đồng Khánh dư địa chí”.

Họ Đồng có 6 đại khoa

Các nguồn sử đăng khoa và các ngọc phả thuộc họ Đồng cho biết, ở Triều Dương xưa có tới 6 vị đại khoa nối nhau ghi danh bảng vàng. Trong đó, có Đồng Hưng Tạo (1546 - 1635) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái 1 (1586) đời vua Lê Thế Tông, làm quan tới chức Hiến sát sứ.

Đồng Hãng (1530-?) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Mùi (1559) niên hiệu Quang Bảo thứ năm đời vua Mạc Tuyên Tông. Làm quan đến chức Tả thị lang, Công bộ Thượng thư. Đồng Đắc (1535-?) là em ruột Đồng Hãng, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Thìn (1568), làm quan đến chức Hộ bộ đô cấp sự trung.

Đồng Văn Giáo (1528-?), năm 50 tuổi mới thi, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu (1577) niên hiệu Thuần Phúc thứ 16, đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Thừa chính sứ.

Đồng Tồn Trạch (1617 - 1692) là cháu nội của Tiến sĩ Đồng Đắc và có bác là Tiến sĩ Đồng Hãng. Theo văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái năm thứ 4 (1646) ông đỗ tam giáp Tiến sĩ đời vua Lê Chân Tông. Sau đó ông vào ứng chế đỗ đầu, được chúa Trịnh Tráng bổ nhiệm làm Đô cấp sự. Năm 1664 đời Lê Huyền Tông, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Công.

Năm 1669 ông được chúa Trịnh Tạc thăng làm Đô ngự sử rồi bị bãi chức. Năm 1673 đời Lê Gia Tông, ông lại được dùng làm Hữu thị bộ Hình. Năm 1683 ông làm Thượng thư bộ Hộ, vào làm Tham tụng - Là chức quan cao nhất thời Lê Trịnh, trong phủ chúa Trịnh Căn, tước Nghĩa Trạch hầu.

Năm 1691 khi đã 76 tuổi ông về hưu, được hơn 1 năm sau thì ông mất (1692), được truy tặng là Thượng thư bộ Lại, Thái bảo, Nghĩa quận công. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Đồng Tồn Trạch làm đến chức Tham tụng (tể tướng) nhưng rất thanh liêm. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép rằng ông cầm quyền 9 năm nhà không có của để thừa, ai cũng khen là trong sạch.

Tiến sĩ Đồng Bỉnh Do (1647-?) là con của Đồng Tồn Trạch, cháu 4 đời của Đồng Hãng và Đồng Đắc. Năm 45 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi (1681). Làm quan đến chức Tham chính.

Điều đặc biệt ở “làng Tiến sĩ” nho học họ Đồng chính là Đồng Hãng và Đồng Đắc đỗ 2 khoa thi liên tiếp. Đồng Văn Giáo là ông nội của Đồng Tồn Trạch, Đồng Tồn Trạch là cha của Đồng Bỉnh Do. Bởi vậy, họ Đồng nơi đây còn được ví “Tam đại liên trúng”, tức 3 đời liền đỗ đại khoa.

Giai thoại Đồng Hãng

Bia Tiến sĩ khoa thi năm 1646 ghi danh Đồng Tồn Trạch – vị đại khoa làm đến chức Tham tụng.

Bia Tiến sĩ khoa thi năm 1646 ghi danh Đồng Tồn Trạch – vị đại khoa làm đến chức Tham tụng.

Đồng Hãng khi còn bé đã được gọi là thần đồng, gia cảnh nghèo khó không có đủ tiền ăn học nên phải vừa học vừa làm thuê. Bấy giờ, có ông phú hộ nuôi thầy đồ dạy học cho con, Hãng đến xin phụ việc và học nhờ. Một hôm, thầy đồ sai học trò xuống bếp châm đóm. Tới bên chảo tôm, nhìn quanh chẳng thấy ai, bụng lại đói, Đồng Hãng thò tay lấy một con ăn.

Hành động này bị con gái phú hộ trông thấy. Xấu hổ quá, cậu học trò ấp úng, xin cô đừng mách thầy. Cô gái đưa ra vế đối với điều kiện nếu đối được mới tha: “Hà tài hũ trung bị hoàng bào cúc cung như dã (Con tôm ở trong nồi, mặc áo vàng coi bộ khúm núm).

Đồng Hãng thấy vế đối khó, bí quá chưa nghĩ ra bèn lấy cớ mang đóm lên cho thầy xong sẽ đối. Lên nhà, thầy đồ lại sai ra giếng lấy nước để mài mực. Khi cúi xuống múc nước, chàng trai thấy có con ếch thì nảy ra ý hay liền vào bếp đối: “Oa tàng tỉnh để quải thanh y, mỹ mục miện hề” (Con ếch ở dưới giếng, mặc áo xanh, mắt liếc đẹp thay).

Câu đối vừa tả về con ếch nhưng lại có ý khen cô gái xinh đẹp mặc áo xanh. Thấy cậu học trò có tài, cô gái đem chuyện nói với cha. Phú hộ mến tài của Đồng Hãng, ngỏ ý nuôi ăn học và nhận làm con rể. Từ đó, Đồng Hãng không phải lo làm việc, chỉ chuyên tâm học hành.

Theo sách “Công dư tiệp ký”, từ nhỏ Đồng Hãng đã nổi tiếng có tài văn chương cùng tính khí ngang tàng, kiêu ngạo. Dinh quan Thừa ty đóng tại Phao Sơn, một hôm ông đến trước dinh đánh trống, quan nha nghĩ có việc công, khăn áo chỉnh tề kéo cả, thấy chỉ có một người học trò liền hỏi tại sao đánh trống? Ông đáp: Kẻ hàn sĩ muốn xin bữa cơm, sợ khó nói được đến nơi nên đánh trống để quan nha đều ra công đường, xin ăn cho tiện.

Quan Thừa ty nói: Anh đã là học trò, ta ra một đầu đề, làm được ta sẽ cho tiền cho gạo. Ông đáp: Trăm đầu đề thì làm chứ một đầu đề thì không làm. Quan Thừa ty ra đầu đề, ông ngoáy bút thành văn khiến người ra đầu đề không kịp. Trong chốc lát, trăm bài đã làm xong, lời thơ đẹp đẽ, quan nha tấm tắc khen rồi tặng 5 quan tiền và một thúng gạo.

Giai thoại còn kể rằng, khoa trước đi thi ông khoe thế nào cũng đỗ. Lúc đóng quyển, ông xin bố vợ giết một con bò, cho người làm cán cờ đón vinh quy. Đến kỳ đệ nhất, trong đầu đề có câu chưa rõ lời ra sao nên ông không làm mà bỏ ra ngoài.

Bên cạnh có một lão nho thấy lạ, hỏi tại sao? Ông nói thật là chưa rõ nghĩa, ông cụ đáp: Lão tuy già nhưng câu này còn nhớ, để lão đọc cho nghe. Đồng Hãng ngắt lời: Há lại có người đầu thiên hạ mà theo người khác ăn cắp chữ hay sao?.

Khoa sau vào kỳ đệ nhất, ông lại oang oang nói: Khoa này ai mà ra được đầu đề hiểm hóc đến nỗi Đồng Hãng này không nhớ được mới thật là giỏi. Khoa này là khoa Kỷ Mùi triều Mạc, vì cậy tài kiêu ngạo nên ai cũng ghét.

Vào thi Đình, văn đáng đỗ Đệ nhất giáp cập đệ nhưng bị đánh xuống Đệ nhị giáp. Ông làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, Thừa chính sứ. Đời Lê trung hưng, ông quy thuận vua Lê, được lưu dụng theo tước cũ.

Giai thoại kể rằng, Đồng Đắc là em trai Đồng Hãng, tài không bằng, học lực cũng kém hơn. Có lần vợ Đồng Đắc cùng ngồi ngang hàng với vợ Đồng Hãng. Bố chồng trông thấy khuyên rằng: Chồng nó là ông nghè, chồng mày chỉ là anh tú tài sao lại cùng ngồi như vậy? Vợ Đồng Đắc về nói với chồng: Anh không học đến đậu Tiến sĩ, tôi sẽ không làm vợ anh nữa.

Nhân lúc nhàn rỗi, Đắc hỏi anh: Như em liệu có học được không? Đồng Hãng đáp: Tiến sĩ như anh có ít, ở trong triều thảy đều như chú mà thôi. Đồng Đắc bèn tiếp tục dùi mài kinh sử, đến khoa Mậu Thìn năm Hồng Phúc thứ 7 cũng đỗ Tiến sĩ, được liệt vào hàng phú quý hiển đạt, làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, Đô cấp sự trung.
 

Trần Siêu (Báo Giáo dục và Thời đại)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,140
  • Tháng hiện tại30,156
  • Tổng lượt truy cập589,262
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây