Cuộc đời và sự nghiệp cụ Đồng Sỹ Hứa

Thứ sáu - 29/05/2020 10:54 1.194 0
Đồng Sỹ Hứa (1915-2005), quê ông ở Mậu Tài, Phú Mâu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông chính là em ruột nhà cách mạng Đồng Sĩ Bình mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định lấy tên ông Đồng Sĩ Bình để đặt tên cho một con đường thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cuộc đời và sự nghiệp cụ Đồng Sỹ Hứa
Cuộc đời và sự nghiệp cụ Đồng Sỹ Hứa

Đồng thời, ông cũng là anh ruột của GS.TSKH Đồng Sĩ Hiền (Nguyên Tổng thanh tra Bộ Canh Nông, Tổng Giám đốc Nha Lâm Chính, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Năm 1938, ông Đồng Sỹ Hứa là một trong những quan chức được chính phủ Bảo hộ biệt phái sang làm quan phán tại Văn phòng Chánh xứ Pháp ở Port Vila New Hebrides. Đến năm 1946, ông xin từ chức quan phán để lãnh đạo bà con Việt kiều thành lập Liên đoàn Thợ thuyền Việt Nam tại Tân Đảo .

(Xin giới thiệu thêm về Tân Đảo: Tên chính thức hiện này là Cộng hòa Vanuatu - là đảo quốc gồm quần đảo vùng Melanesia, Tây Nam Thái Bình Dương. Quần đảo này nằm phía đông Úc cách 1.750 km, phía đông bắc Nouvelle-Calédonie cách 500 km, phía tây Fiji, và phía Nam quần đảo Solomon. Trước năm 1980, Vanuatu có tên là New Hebrides thuộc sự đồng trị của cả hai nước Anh và Pháp. Người Việt thời đó gọi Vanuatu là Tân Đảo vì thực dân Pháp thường mộ phu chân đăng ở Đông Dương để đi khai phá và canh tác đồn điền ở đó.)

Hội Liên đoàn Ái hữu VN tại Tân Đảo năm 1946

Tháng 6 năm 1946, ông Đồng Sỹ Hứa đã lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi tầu Hồi hương, đòi quyền tự do tìm chủ, tự do làm ăn, tự do đi lại.

Ông là một người thẳng tính, cương trực. Tuy làm việc cho chính quyền Pháp tại Tân  Đảo, nhưng ông không hề hạ thấp mình và luôn tìm cách để bảo vệ quyền lợi của đồng bào mình. Các chủ đồn điền cũng như chính quyền sở tại cũng không ưa gì tính khí của ông. Nhưng lại rất nể phục trình độ kiến thức và tài biện luận của ông. Họ kháo nhau rằng: ông ta là một cử nhân luật. Bởi thế, sau khi đệ đơn từ chức quan phán, chính quyền Pháp đã yêu cầu ông tiếp tục ở lại làm việc. Nhưng ông đã từ chối.

Ông và gia đình đã bị chính quyền địa phương trục xuất về Việt Nam, cùng với đông đảo cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam Công đoàn năm 1947 trên con tầu Ville d’Amiens.

Ông bị quản thúc ở Huế, sau đó thoát ly đi theo kháng chiến. Hoà bình lập lại, ông làm cán bộ cao cấp tại Tổng Công đoàn Việt Nam ở Hà Nội.

Chế độ đồng quyên cai trị  dưới tên  “Condominium” ở Tân Đảo có đặc quyền sở hữu văn bản ghi chép danh mục của các nhân vật danh tiếng nhất thời bấy giờ như: các chủ đồn điền, các doanh  nhân, các nhà cầm quyền Pháp và Anh, các nhà truyền giáo của các loại đạo.

“HEBRIDAIS” tức Người Tân Đảo là tên một danh mục trong tư liệu tham khảo sinh học về Tân Đảo của ông  Patrick O’REILLY, do nhà phát hành  Societe Oceaniste xuất bản. Nhà số 8, Musee de l’Homme, Paris 1957.

Bao gồm  cả một kho dữ liệu về sinh thái của con người  trên mảnh đất này. “Một tác phẩm đặc trưng  dựa trên phương pháp khoa học đã được  tác giả chập nhận”. Trích đoạn như sau:

Đồng Sỹ Hứa – Người Việt Nam
(Sinh ở Huế năm 1915 và mất ở Hà Nội năm 2005 – chú dẫn của người dịch).

Toàn cảnh khu Đề-bô và Thủ phủ Port Vila

Ông Đồng Sỹ Hứa đến Tân Đảo vào tháng 9 năm 1938 với  tư cách là một  người công nhân phu mộ (a). Sau đó ít lâu ông đã được phong làm thư kí – phiên dịch (quan phán) tại Toà sứ Pháp và Anh. Hợp đồng của ông hết hạn năm 1941 nhưng không hồi hương về Việt Nam được vì không có chuyến tầu nào nữa do chiến tranh bùng nổ. Nhà chức trách đã đề nghị ông tiếp tục sự nghiệp mà ông đã từng phục vụ một cách tận tuỵ trong thời gian qua.

Sau khi  chiến tranh Thế giới kết thúc năm 1945, thì cũng là lúc mà toàn bộ phu mộ Việt Nam gồm khoảng 3.020 người cũng đã hết hạn hợp đồng làm việc theo giao kèo với các chủ đồn điền tại Tân Đảo và đòi quyền hồi hương  tức thời về Việt Nam. Trong số đó tất nhiên có ông Đồng Sỹ Hứa. Nhưng rồi không có chuyến tầu nào năm 1945 cũng như năm 1946.

Việc hồi hương phải đình hoãn nhiều lần do không có tầu chuyên chở. Những sự kiện xảy ra ở Đông Dương  mà nước Pháp phải đương đầu với Việt Minh, công với sự chờ đợi mệt mỏi của những thợ thuyền mãn hạn giao kèo đã dấy lên một làn sóng công phẫn, một phong trào rộng lớn đòi hỏi quyền lợi về tự do và công lý.

Tấm thẻ Hội viên Công đoàn Việt Nam Tân Đảo

Lý do đó đã khiến ông Đồng Sỹ Hứa, nhà lãnh đạo của phong trào “Việt Minh” tại địa phương, đã xin từ bỏ chức vụ “quan phán” với Nhà chức trách để chuyên tâm về việc phát động và mở rộng phong trào tổ chức công đoàn thợ thuyền và khơi dậy tinh thần dân tộc Việt Nam

Tháng Giêng năm 1947, tầu “Ville d’Amiens” đã thực hiện chuyến đầu tiên, chở 550 người về Hải phòng. Nhưng chuyến tiếp theo không thực hiện được làm cho trên 800 người ở Vila và Santo, cộng với 140 người ở Malicôlô phải chờ đợi vô thời hạn. (b).

Để phản đối sự lơ là của nhà chức trách, ông Đồng Sỹ Hứa đã tổ chức “tổng đình công” với lý do là người Việt Nam không muốn  tiếp tục làm việc , vì nuớc Pháp  gây chiến tranh với đồng bào của họ ở Việt nam.

Ông đã tổ chức và điều động các cuộc biểu tình phản kháng. Bằng chứng là trong văn  bản thông tư 163 ngày 5 tháng Giêng đã nhấn mạnh nguyên nhân lý do chính trị  xã hội, dẫn đến cuộc biểu tình thị uy quy mô cực kì to lớn ,diễn ra  chỉ mấy ngày sau đó  tại Thủ phủ Port Vila gây tình hình căng thẳng làm cho Nhà chức trách địa phương hết sức lo ngại.

Bởi vì lực lượng của họ với vài chục tên lính bảo an binh thì quá yếu so với lực lượng biểu tình. Họ quan ngại là không đủ mạnh để có thể làm chủ được tình thế lúc bấy giờ. Các kiều dân khác thì lo sợ cho tính mạng và tài sản của họ, đồng thời còn lo ngại đến một cuộc “lật đổ” chính quyền nữa.

Tại Santo, hàng ngàn người biểu tình đã bao vây toà công sứ và gây náo động (c). Trong các đồn điền, thợ thuyền Việt nam đã làm chủ tình hình, chiếm cứ các cơ sở của chủ đồn điền.

Trong cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, dân chúng hoành hành, bắt trộm súc vật, tàng trữ vũ khí do quân đội Mỹ để lại, đua nhau bán rượu lậu cho dân bản xứ.(d)

Tình hình căng thẳng buộc nhà chức trách kêu gọi Chính phủ Pháp điều động tầu tuần dương  hạm Dumont d’Urville về Port Vila, Norsup và Santo nhằm uy hiếp tinh thần người Việt Nam. Nhờ sự dũng cảm của Chỉ huy tầu và nhưng lời hứa sẽ tổ chức thu xếp tầu hồi hương đã làm cho tình thế bớt căng thẳng.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình cả, vì trong số đó có ông Cao là người chống đối lại chủ trương bất hợp tác của ông Đồng Sỹ Hứa. (e)

Ngày 25/08/1947, ông Đồng Sỹ Hứa và gia đình cùng với 470 người lớn và 330 trẻ em đã hồi hương trên chuyến tầu “Ville d’Amiens” về Hải phòng.

Người ta cũng tò mò muốn biết rõ sự thay đổi kì lạ ở một con người, mà trước đó 8 năm ông ta đã tỏ ra tận tuỵ mẫu mực và cung kính với Nhà chức trách, nay bỗng nhiên trở thành một lãnh tụ đối lập không khoan nhượng. Phải chăng là do tinh thần tự hào dân tộc cao độ đã thúc đẩy Đồng Sỹ Hứa.

Có thể là sự bùng phát của một tâm tư đau khổ bị đè nén quá lâu trước những sự bất công và sự lạm dụng uy quyền quá đáng của chính quyền sở tại.

Người ta vẫn mong muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về con người vĩ đại Đồng Sỹ Hứa này, một con người kín đáo thông minh, nóng tính và đầy tham vọng sau khi hồi hương về một đất nước hoàn toàn độc lập, tự do sẽ ra sao khi ông đã viết bức tâm thư cho cấp trên thuở trước như sau: “là người hoạt động Công đoàn, là người Việt Nam không có nghĩa là tôi chống đối lại nhân dân Pháp”.

Tài liệu tham khảo :
a. Ông Đồng Sỹ Hứa cũng như ông Nguyễn Đức Thận và Hoàng Vĩnh Lạc là những công chức của chính quyền bảo hộ. Được biệt phái sang Tân Đảo – Tân Thế giới năm 1938.
b. Trên thực tế nhà chức trách đã phải xây dựng một trại tập trung lớn ở mom Malapoa để tiếp nhận số người ở Santo và Malicôlô về đây để “chờ tầu”. Thời bấy giờ các cụ đặt trại này là Đề-bô “Thiên lập”.
c. Trong cuộc biểu tình ngày 27/03/1945 tại Santo, hai phu mộ Việt Nam đã bị tên Berthault bắn chết tại chỗ là ông Mai viết Túc và ông Nguyễn Văn Tráng.
d. Hoạt động của Việt nam Công đoàn Tân đảo thời bấy giờ bị coi là quá khích. Ban cảnh vệ được trang bị súng đạn của quân đội Mỹ để lại. Cụ thể là ngày 30/06/1946, trong cuộc diễu hành trên đường phố giừa thủ phủ Port Vila, đoàn cảnh vệ mặc quần áo trắng, đầu đội ca-lô trắng, đeo băng đỏ. Vai mang súng trường. Mấy ông đi đầu còn đeo súng lục, rât hiên ngang.
e. Theo chị Nguyễn Thu Lan là con gái cụ Phán Nguyễn đức Thận sinh sống tại Mỹ, thì năm 1938 Nhà chức trách Pháp đã đưa 3 người sang làm thông phán. Cụ Nguyễn đức Thận được cử sang Nouméa. Cụ Hoàng Vình Lạc đi sang Santô và cụ Đồng Sỹ Hứa ở lại làm viêc ở Toá sứ Vila. Có tin cụ Hoàng Vĩnh Lạc bị mất  tích ở Santô. Hai cụ Thận và Hứa đều bị trục xuất về Hải Phòng.

Theo Jean Van Son biên soạn, dich thuật
 / Tân Đảo xưa và nay
/Nhà báo Đồng Xuân Thụ (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay302
  • Tháng hiện tại31,544
  • Tổng lượt truy cập590,650
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây