Chùa - đền Nam Tào nằm trên dãy núi Dược Sơn (còn gọi là núi Nam Tào) thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc
Trước kia, chùa – đền Nam Tào được xây dựng theo hướng Tây Nam, hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền từ và hậu cung, các cấu kiện của chùa - đền Nam Tào đều được làm bằng gỗ lim, lợp ngói mũi, soi mình xuống dòng sông Lục Đầu. Ngoài ra, còn có gác chuông và 2 gian tả, hữu vu. Phía ngoài cổng đền là nghi môn có kiến trúc giống như Nghi môn của đền Kiếp Bạc nhưng quy mô nhỏ hơn. Chùa thờ phật, thờ Mẫu và đặc biệt trong chính điện có phối thờ thần Nam Tào.
Sự tích kể rằng: Trên núi Nam Tào (Dược Sơn) có một ngôi chùa. Trong chùa có một ông lão biết đoán điều may rủi, lời nói thường hiệu nghiệm, người bốn phương đến cầu xin rất đông. Về sau không biết đi đâu, chỉ thấy trên vách có đề câu: “Nam Tào thượng Linh Tiêu” có nghĩa là Thần Nam Tào về điện Linh Tiêu trên Thiên Đình. Sau đó người ta lập đền thờ tại đây gọi là đền Nam Tào.
Đền – chùa Nam Tào, thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh
Trong văn hoá tâm linh phương Đông, Nam Tào - Bắc Đẩu là 2 vị thần của đạo giáo. Nam Tào còn gọi là thần sinh, coi sự sống ở phương nam. Bắc Đẩu là vị thần tử, coi về sự chết ở phương bắc. Ở các đạo quán hay ở nhiều ngôi chùa Việt thường có tượng hai vị thần này là được đặt bên Ngọc Hoàng thượng đế, trong đó tượng thần Nam Tào đặt bên tả, tượng thần Bắc Đẩu đặt bên hữu. Việc xuất hiện đền thờ quan Nam Tào trên núi Dược Sơn cùng quan Bắc Đẩu trên núi Vạn An đứng đối xứng nhau cùng chầu vào đền Kiếp Bạc - Nơi thờ phụng Đức Thánh Trần đã được nhân dân suy tôn là Ngọc Hoàng Thượng đế chứng tỏ sự tôn vinh, ngưỡng vọng của nhân dân đối với Trần Hưng Đạo, tôn ông là vị Thánh sánh với Ngọc Hoàng thượng đế trên thiên đình. Bộ ba đơn nguyên Nam Tào - Trần Hưng Đạo- Bắc Đẩu xuất hiện dưới hạ giới là hiện tượng hiếm thấy, mang đậm mầu sắc đạo giáo.
Năm 1947, Thực dân Pháp đánh phá các di tích trong đó có chùa - đền Nam Tào, cả công trình kiến trúc quy mô lớn như vậy bị tàn phá chỉ còn đống gạch vụn, nhân dân phải đem tượng thờ quan Nam Tào và quả chuông đồng gửi ở đền Kiếp Bạc .
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự cố gắng của nhân dân địa phương, di tích được khôi phục lại vào năm 1989, công trình được xây dựng trên nền móng của gian hậu cung trước đây, còn gian tiền từ trước kia đã trở thành sân đền, hai gian tả hữu vu cũng được xây dựng lại.
Tháng 12 năm 2005, Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tiến hành khai quật khảo cổ học tịa di tích Nam Tào. Kết quả bước đầu đã xác định được nền móng toà tiền tế, chân móng một số công trình phụ cận của chùa Nam Tào và nhiều hiện vật, di vật có niên đại thời Trần, Lê. Dựa trên các cứ liệu khảo cổ học, tháng 1 năm 2007, Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tiến hành trùng tu, tôn tạo chùa - đền Nam Tào với hàng chục hạng mục công trình như cổng đền, tả hữu vu, đền chính, các công trình phụ trợ…
Dòng họ Đồng Văn, ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo sinh sống và lập nghiệp ngay dưới chân đền-chùa Nam Tào từ hàng trăm năm nay.