Tiến sĩ Đồng Thức (? - 1407)

Thứ bảy - 27/06/2020 10:50 1.006 0
Theo sách Chí Linh phong vật chí và Đại Việt Sử ký toàn thư: Đồng Thức là người ở xã Phụ Vệ , tổng An Điền, huyện Chí Linh (nay là xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Tiến sĩ Đồng Thức (? - 1407)
Theo sách Chí Linh phong vật chí có 3 địa danh ở Chí Linh là: Anh Định, Phụ Vệ và Hộ Xã có lưu truyền bài Thơ vịnh như sau:
Nguyên văn:
Khoa mục cao tài bất pháp danh
Nhất hướng ngũ quý thị An Đình
Đan ngôn bảng nhỡn thi xưng bá
Hồng Đức tao đàn độc hữu thanh
Phụ Vệ văn phong khoa giáp lục
Cánh ư ngũ xá ngũ phương danh
Đan ngôn nhị Nguyễn văn trung vũ
Công tại An bang bí hữu thanh.
Dịch nghĩa:
Khoa mục tào cao không thiếu gì người
Một người năm người sang là làng An Đinh
Chỉ nói ông bảng nhỡn là thơ giỏi nhất
Riêng có tiếng ở tao Đàn thời Hồng Đức
Làng Phụ Vệ văn phong khoa giáp có 6 người
Làng Hộ Xá có năm người nức tiếng
Chỉ nói hai họ Nguyễn là chức võ ở trong làng văn
Có công giúp nước có tiếng rõ ràng.
Dịch thơ:
Khoa mục tài cao lại nổi danh
Làng năm người đậu ấy An Đinh
Nói riêng bảng nhãn thơ càng giỏi
Hồng Đức (1) Tao đàn (2) dự mới vinh
Phụ Vệ đại khoa có sáu người[2]
Năm ông Hộ Xá nước đương thời
Hai người họ Nguyễn kiêm văn vũ
Chức trọng An Bang tiếng khắp nơi.
Đồng Thức chính là một trong 6 người đỗ Đại khoa của làng Phụ Vệ được nhắc đến trong bài thơ vịnh trên.
Ông đỗ Thái học sinh vào tháng 2, năm Quý Dậu, niên hiệu Quang Thái năm thứ 6 (1393). Vua Trần Thuận Tông tổ chức thi Thái học sinh[3], ông được phong quan tới chức Thị lang.
Khi nhà Trần mất ngôi, nhà Hồ thấy Đồng Thức có tài đã trọng dụng và phong chức Ngự sử Trung tán. Tuy tài giỏi nhưng Đồng Thức lại là người ngay thẳng, liêm khiết hay nói lời trung nghĩa, vì thế nhà vua đổi họ làm họ Ngụy vì tính cương trực giống như Ngụy Trưng (Trung Quốc)[4].
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”[5], thì Ngụy Thức (tức Đồng Thức) bị Hồ Quý Ly sát hại vào ngày 29 tháng Giêng năm 1407 tại vùng bờ biển Điển Canh, còn gọi là cửa Ghép, hoặc gọi là cửa Mom, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, khi Đồng Thức thẳng thắn khuyên cha con Hồ Quý Ly tự thiêu, không nên để giặc Minh bắt sống - trong tình thế cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh đuổi bắt đến tận cửa biển tỉnh Thanh Hóa (Ngụy Thức nói: "Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay kẻ khác".
Đồng Thức cũng là người họ Đồng đỗ Tiến sỹ sớm nhất ở Việt Nam còn lưu danh trong sử sách.
 
[1] Vào thời nhà Trần, Nam Sách là tên gọi của một xứ, bao gồm Chí Linh, Nam Sách, Thanh Hà và Tiên Minh (nay là Tiên Lãng, Hải Phòng, ngày nay). Đến cuối thời nhà Trần, là tên gọi của một châu thuộc phủ Lạng Giang. Xã Phù Vệ xưa thuộc tổng An Điền, huyện Chí Linh.
[2] Theo sách Chí Linh phong vật chí, Làng Phù Vệ có 6 người đỗ tiến sĩ. Đó là:
1. Đồng Thức; Ông đậu thái học sinh khoa Quý Dậu, năm thứ 6 niên hiệu Quang Thái triều Trần. Làm quan đến chức Trung thừa giám sát ngự sử;
2. Lê Sĩ Dũng: Ông đậu đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm thứ 17 niên hiệu Quang Thuận triều Lê. Đổi văn sang vũ, làm quan đến chức Tổng binh thiêm sự;
3. Đỗ Trình Di: Ông là thân phụ của Đỗ Hồng, ông tổ 5 đời của Đỗ Thanh, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi năm thứ 18, niên hiệu Đại Chính triều Mạc, làm quan đễn chức Hữu thị lang;
4. Đỗ Hồng: Ông là con ông Đỗ Trình Di, ông tổ 4 đời của Đỗ Thanh, đậu tiến sĩ cập đệ tên thứ 3 khoa Canh Tuất, năm thứ 26 niên hiệu Đại Chính triều Mạc. Ông làm quan đễn chức Đông các hiệu thư;
5. Đỗ Thanh: Ông là cháu 4 đời của Đỗ Hồng, cháu 5 đời Đỗ Trình Di, đậu tiến sĩ khoa Đinh Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Sùng Khang triều Mạc. Ông làm quan đến chức Tham chính;
6. Đoàn Khắc Thận: Năm ông 60 tuổi đậu tam giáp tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, năm thứ 12 niên hiệu Quang Hưng triều Lê, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Đây là đúng với câu: “Phụ vệ văn phong khoa giáp lục”-“Phụ Vệ đại khoa có sáu người”, đáng tiếc là sự nghiệp của các ông này không thấy nói đến.
[3] Thi Thái học sinh Trần triều là ngang với Tiến sỹ Lý triều và các triều đại phong kiến Việt Nam sau này
[4] Ngụy Trưng (tiếng Trung Quốc: 魏徵; Wade-Giles: Wei Cheng, 580 - 11 tháng 2 năm 643), biểu tự Huyền Thành (玄成), là một nhà chính trị và sử học thời đầu thời nhà Đường. Xuất thân ở Hà Bắc trong một gia đình nghèo, Ngụy Trưng từng đi theo Ngõa Cương quân của Lý Mật rồi trở thành quân sư cho Thái tử Lý Kiến Thành, con trai cả của Đường Cao Tổ. Trong Sự biến cửa Huyền Vũ, Lý Kiến Thành bị em trai là Tần vương Lý Thế Dân, tức Đường Thái Tông sau này, giết chết. Tuy từng phục vụ nhiều đối thủ trên chiến trường và chính trường của Đường Thái Tông, Ngụy Trưng vẫn được nhà vua trọng dụng, ông được phong chức Gián nghị đại phu với nhiệm vụ can gián vua không mắc phải những quyết định sai lầm. Sự thẳng thắn và sáng suốt của Ngụy Trưng đã trở nên nổi tiếng trong sử sách và ông được coi là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngụy Trưng còn là một nhà sử học có tiếng đầu thời nhà Đường, ông là chủ biên bộ sách Tùy thư, bộ sử chính thức về nhà Tùy và là một trong Nhị thập tứ sử.
[5] Theo Đại Việt sử ký toàn thư:”...Ngày 29 tháng 1 năm 1407, quân Minh đánh vào cửa biển Điển Canh, quân Hồ bỏ thuyền tự tan vỡ.Hai cha con họ Hồ định lánh đến Thâm Giang nhưng không thành. Ngụy Thức xin hai cha con họ Hồ tự thiêu. Onng nói: “Nước đã sắp mất, vương giả không chết bởi tay kẻ khác”. Quy Ly giận, chém chết...Ngày 11, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh. Bọn vệ quân Vương Sài Hồ 7 người bắt được Hồ Quý Ly ở bãi Chi Chi...”.

Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,153
  • Tháng hiện tại5,436
  • Tổng lượt truy cập604,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây