Trung tướng Đồng Văn Cống: Người Anh cả của LLVT Bến Tre
Thứ sáu - 29/05/2020 10:471.7960
Trung tướng Đồng Văn Cống quê xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nhập ngũ 1946, được phong Trung tướng năm 1980. Ông là Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 330. Trung tướng Đồng Văn Cống - được gọi là người anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre, từng là Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam 1969-1972 và 1974-1975.
ất Bến Tre nơi tiền nhân mở cõi, cực kỳ gian khổ: Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh... đã nuôi dạy những con người có nghị lực, tài năng, sáng tạo để dựng nước và giữ nước. Khi 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ, tiếp theo 3 tỉnh miền Đông rơi nốt vào tay quân Pháp, nhân dân Bến Tre đã đồng loạt đánh nhiều trận phủ đầu.
Ở Giồng Trôm nổi tiếng là trận Hương Điểm. Giồng Trôm cũng là nơi nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư xứ ủy Nam Bộ, sống và làm việc ở Hưng Lễ 1955-1956. Ông Đồng Văn Cống sinh năm 1918, hoạt động cách mạng từ năm 1936 (18 tuổi), ông lần lượt làm Bí thư chi bộ, Tổng ủy viên, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở cơ sở lúc Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ trên toàn quốc, và đồng thời xây dựng, chỉ huy đội du kích xã Tân Hào, đội du kích nổi tiếng khắp Bến Tre. Giống như Huỳnh Văn Nghệ ở miền Đông Nam Bộ với Chi đội 10, ông trở thành người chỉ huy của Chi đội 19, sau này là Trung đoàn 99 ở miền Trung Nam Bộ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu cao quý “Trung đoàn gương mẫu”. Chi đội 19 có nòng cốt là đội du kích Tân Hào làm trọn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, phát triển vững chắc. Ở Nam Bộ nói chung lúc đó cũng như ở Bến Tre nói riêng, từ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, đã tự tổ chức nhiều đội, tổ, lực lượng vũ trang với các tên gọi khác nhau để chặn bước tiến của quân Pháp. Vũ khí thô sơ như mã tấu, giáo mác, khá hơn thì có lựu đạn, súng trường cổ lỗ... Đội du kích Tân Hào dưới sự chỉ huy của anh Cống, đang ở tuổi 27, 28, đã trưởng thành vượt bậc với quan số 80 người, thu hút nhiều thanh niên từ các xã gần bên, với tên gọi thân yêu “Bộ đội ông Cống” đã trở thành bộ đội địa phương của huyện, cũng là đơn vị bộ đội địa phương đầu tiên của cả tỉnh. Ông Trần Văn Trà, Khu trưởng Khu 8, đã nhìn thấy sự phát triển của cả khu. Ông ra nhiều quyết định, trong đó Bến Tre thành lập Chi đội 19 và đưa ông Đồng Văn Cống làm Chi đội trưởng, đặc biệt sau trận đánh Bàu Dơi thắng lớn, làm nức lòng người, đến tận Sài Gòn. Chi đội 19 không chỉ đảm nhiệm về quân sự ở tỉnh nhà Bến Tre mà còn ở Gò Công và tăng cường lực lượng để thành lập Chi đội 20 ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Chi đội 17 ở Mỹ Tho. Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống Giai đoạn 1946-1947, Chi đội 19 đã đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu là: Đánh đền Lộc Thuận, chặn viện và diệt nhiều sinh lực một Tiểu đoàn của Pháp ở Thới Lai, thu 100 súng, có nhiều trung liên; Xuân 1947, giữa ngày 2 Tết Nguyên đán, đánh trận vận động phục kích, diệt một đại đội Pháp có xe thiết giáp yểm trợ, thu 150 súng, có nhiều trung liên, đại liên..., bazoka, cối các loại, nhiều trang bị. Chiến công lưu truyền mãi là chặn đà tiến công hùng hổ của binh đoàn cơ động lê dương Pháp khi định càn quét Tây Nam Bộ, góp phần chặn đứng âm mưu tốc quyết tốc thắng của Pháp. Những chiến công của 4 phân đội 2, 3, 7, 9 của Chi đội 19 đã tạo truyền thống cho ngày thành Trung đoàn 99. "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang" - Bài hát “Tiểu đoàn 307” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, lời thơ Nguyễn Bính, do nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương - một chiến sĩ của Tiểu đoàn thể hiện - là âm điệu hào hùng phản ánh khí thế của Tiểu đoàn. Sau này, một cán bộ của Tiểu đoàn - Tiểu đoàn trưởng Phạm Hòng Sơn, trong những ngày bị liệt hai chân vẫn là người hữu ích: dịch sách, viết văn, nói rằng bài hát đã “nâng bước ông đi”. Năm 1948, đơn vị chủ lực của Khu 8 hình thành từ đất Bến Tre. Lực lượng của Tiểu đoàn trực thuộc Khu 8 đầu tiên - Tiểu đoàn 307, có thành phần nòng cốt từ Trung đoàn 99. Những cán bộ ưu tú từ trung đoàn phó, chủ nhiệm chính trị trung đoàn... được đưa sang Tiểu đoàn 307. Rồi Tiểu đoàn 308 của khu ra đời. Một lần nữa, Trung đoàn 99 Bến tre của ông Đồng Văn Cống đưa cán bộ, chiến sĩ sang. Tiếp theo, năm 1949, Trung đoàn 99 lại đưa lực lượng để thành lập Tiểu đoàn 310 cho Khu 8. Chiến dịch Bến Tre (3-31/7/1951) - Là chiến dịch tiến công của quân Pháp trên hai huyện Chợ Lách, Mỏ Cày (Bến Tre) do Bộ tư lệnh Khu 8 tổ chức, nhằm diệt một bộ phận sinh lực địch, phá kế hoạch đánh chiếm Cù Lao Minh của chúng, củng cố và mở rộng căn cứ du kích Mỏ Cày. Lực lượng ta có 3 Tiểu đoàn bộ đội chủ lực Khu: 307, 308 và 310, 3 đại đội địa phương và dân quân du kích. Lực lượng chiếm đóng của địch ở vùng Cái Mơn có 22 đồn bốt, vùng Giồng Keo có một đồn và 14 tháp canh..., lực lượng ứng chiến của Pháp có 3 Tiểu đoàn (501, 502 và UDMC) đóng ở thị xã Bến Tre...
Chiến dịch diễn ra hai đợt: đợt 1 (3-12/7) ta diệt đồn Lò Heo, bao vây, uy hiếp, kết hợp binh vận buộc địch ở nhiều bốt đầu hàng, rút chạy; đợt 2 (13-31/7) sau nhiều đánh đồn Giồng Keo, ta tổ chức bao vây, địch rút chạy. Kết quả chung: loại khỏi chiến đấu 250 địch, bức rút một số đồn, bốt, tháp canh, giải phóng xã. Ông Đồng Văn Cống là một trong những người chỉ huy chiến dịch này. Từ 1953, ông Đồng Văn Cống ra Liên khu 5, sau đó về làm Ủy viên thường vụ Khu ủy kiêm Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Đông.
Từ 1954-1959, ông là Ủy viên Ban liên hiệp đình chiến trung ương, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330. Sư đoàn 330, sư đoàn bộ binh chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam; đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1979.
Thành lập tháng 1/1955, nhưng nhiều đơn vị của sư đoàn đã hoạt động trên chiến trường miền Đông và miền Trung Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Sư đoàn đã tham gia chiến dịch Nậm Thà ở Lào năm 1962. Làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia 1979-1989. Sư đoàn trưởng đầu tiên là Đồng Văn Cống. Năm 1962, ông là Phó tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn. 1963 ông trở về Nam, từ 1963-1969 là Tư lệnh Quân khu 9. Ở miền Bắc nhưng như bao cán bộ, chiến sĩ miền Nam khác, ông luôn muốn trở lại sống, chiến đấu ở đất quê hương. Bến Tre, trước Đồng Khởi, sống trong tù ngục, như lời thơ: Biết không anh Giồng Keo, Giồng Trôm
Thảm lắm anh à, lũ ác ôn
Giết cả trăm người trong một sáng
Máu tươi lênh láng đỏ đường thôn... Trở lại miền Nam, ở một tầm nhìn cao hơn với ông, với trọng trách cho cả miền Tây Nam Bộ. Quân khu 9 được thành lập năm 1961, lúc đầu gồm các tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh và Hà Tiên. Địa giới Quân khu phía Tây và Tây Bắc giáp Campuchia có đường biên giới dài hơn 200 km; Đông, Đông Nam và Tây nam giáp biển với bờ biển dài 743 km. Giai đoạn này, Quân khu 9 đã có những trận đánh được ghi nhận: - Trận Cái Nước, trận tập kích của Tiểu đoàn 306 (bộ đội chủ lực Quân khu 9) và đại đội địa phương vào chi khu quân sự Cái Nước Tây Nam thị xã Cà Mau 30 km, sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta làm chủ quận lỵ, diệt và bắt 176 địch (có quận trưởng, quận phó), thu 94 súng. - Trần Đầm Dơi, trận tập kích của Tiểu đoàn U Minh, bộ đội địa phương tỉnh Cà Mau được phối thuộc một trung đội đặc công, một đại đội ĐKZ đánh chi khu quân sự Đầm Dơi (nay là thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta làm chủ chi khu quận lị, diệt và bắt 158 địch, thu 86 súng các loại; liền đó chặn đánh một Tiểu đoàn địch đến ứng cứu, loại khỏi chiến đấu 200 quân, bắn rơi 3 máy bay. Hai trận Cái Nước, Đầm Dơi góp phần hỗ trợ nhân dân Nam Cà Mau nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. - Trận Chà Là ở Đầm Dơi của hai Tiểu đoàn 306 và U Minh, Tiểu đoàn súng máy phòng không 207, lực lượng pháo binh Quân khu 9 cùng địa phương đánh cứ điểm Chà Là và đánh quân chi viện đổ bộ đường không, chặn đánh tàu chiến địch trên sông Bảy Háp, loại khỏi chiến đấu gần 600 địch, bắn rơi 19 máy bay, bắn bị thương một tàu chiến, thu 100 súng và nhiều trang bị...., là trận mở đầu đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, một trong những chiến thắng lớn nhất của quân dân miền Nam trong năm 1963, góp phần đánh bại chiến thuật trực thăng vận của địch. Còn nhiều trận đánh lừng lẫy khác do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiến hành, có dấu ấn của Tư lệnh Đồng Văn Cống. Từ 1969-1972, ông Đồng Văn Công là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, kiêm Tư lệnh bộ đội Việt Nam ở khu Đông Bắc Campuchia (C40).
Giai đoạn 1974-1975, ông là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Sau 1975 là Phó Tư lệnh Quân khu 7. Tháng 10/1982 ông là Phó Tổng thanh tra quân đội. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI. Ngày 6/8/2005, Trung tướng Đồng Văn Cống qua đời. Ông an nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre, gần đó là mộ vợ ông: bà Lê Thị Gấm và mộ phần con trai đầu của ông là trung úy phi công Đồng Văn Đe, hy sinh anh dũng trong một trận không chiến khi Mỹ đánh miền Bắc. Quê nhà Tân Hào, Giồng Trôm nay có đền thờ người anh cả của Lực lượng vũ trang Bến Tre, là tấm lòng của nhân dân, lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với người con hết lòng vì nước, vì dân. Nguồn: Văn Tuấn(Báo Đất Việt)