Họ Đồng Việt Nam trong lịch sử dân tộc

Thứ bảy - 27/06/2020 10:11 11.692 0
Họ Đồng là một họ[1] của người Việt Nam. Họ Đồng có dân số ít ở Việt Nam, cùng với gần 200 dòng họ khác chỉ chiếm chưa tới 0,8 % dân số của người Việt. Dù không thuộc 14 họ phổ biến, nhưng họ Đồng đã, đang và sẽ góp phần rạng danh lịch sử, văn hóa dân tộc Việt.
Bà con họ Đồng trên khắp mọi miền Tổ quốc tụ hội về quê hương Thiền sư Pháp Loa, thành tâm lễ Tổ và chụp ảnh lưu niệm tại sân khấu buổi lễ xuân 2017
Bà con họ Đồng trên khắp mọi miền Tổ quốc tụ hội về quê hương Thiền sư Pháp Loa, thành tâm lễ Tổ và chụp ảnh lưu niệm tại sân khấu buổi lễ xuân 2017
Theo thống kê bước đầu, hiện có khoảng 164 nhánh họ Đồng tại Việt Nam, phân bố ở 25 tỉnh thành trong toàn quốc như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,…
Theo TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký BLL họ Đồng Việt Nam, nguồn gốc họ Đồng tại Việt Nam nói chung và nguồn gốc các nhánh, chi họ Đồng ở Việt Nam nói riêng vẫn là vấn đề mà các chi họ, các nhà nghiên cứu và BLL họ Đồng Việt Nam đang tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu, hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định được nguồn gốc ra đời và cũng như nơi phát tích của họ Đồng ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của TS. Đồng Xuân Thành, có 2 nơi trên đất nước Việt Nam ta có chứng cứ xác định người họ Đồng đã định cư ở đó từ thời nhà Trần, đó là vùng Tư Nông thuộc đất Thái Nguyênvùng Nam Sách – Chí Linh thuộc đất Hải Dương ngày nay.
Nghiên cứu sử sách và các thư tịch cổ, chúng ta có thể tự hào về truyền thống tổ tiên, những nhân vật xuất sắc trong lịch sử dân tộc và dòng họ Đồng Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc có nhiều nhân vật họ Đồng tiêu biểu được lưu danh trong sử sách, văn bia và gia phả các chi họ như: Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330), quê thôn Cửu La, xã Phù Vệ, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông là một Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sư là môn đệ của Vua Trần Nhân Tông, là Tổ sư thứ hai sau Đức Vua Trần Nhân Tông. Đây là nhân vật đầu tiên của họ Đồng Việt Nam được nhắc đến trong lịch sử; Tiến sĩ Đồng Thức là người xã Phù Vệ, huyện Chí Linh, (nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), đỗ Thái học sinh năm Quang Thái năm thứ 6 (1393) đời vua Trần Thuận làm quan tới chức Thị lang. Khi nhà Trần mất ngôi, nhà Hồ thấy ông có tài đã trọng dụng và phong chức Ngự sử Trung tán. Tuy tài giỏi nhưng Đồng Thức lại là người ngay thẳng, liêm khiết hay nói lời trung nghĩa, vì thế nhà vua đổi họ làm họ Ngụy vì tính cương trực giống như Ngụy Trưng (Trung Quốc). Ông mất năm 1407, khi ông thẳng thắn khuyên cha con Hồ Quý Ly tự thiêu, không nên để giặc Minh bắt sống - trong tình thế cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh đuổi bắt đến tận cửa biển tỉnh Thanh Hóa. Đồng Thức cũng là người họ Đồng đỗ Tiến sỹ sớm nhất ở Việt Nam còn lưu danh trong sử sách; Tướng Đồng Mặc, quê ở Thanh Hóa, là người hào kiệt, vì không chịu được sự áp bức của nhà Minh, cụ đã đứng lên cùng nhân dân khởi nghĩa đánh giặc, giúp vua Trùng Quang đuổi giặc Minh xâm lược, lập được công lớn, vua Hưng Khánh đã ban thưởng cho chức Phủ quản ở Thanh Hóa; Làng Tiến sỹ/Gia đình Tiến sỹ nho học họ Đồng ở làng Triền Dương, tổng Cổ Châu (sau đổi là xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh), nay thuộc phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại đây, từ thế kỉ XVI-XVIII đã có 6 tiến sĩ nho học được đề tên trong văn miếu Quốc Tử Giám. Đó là: Tiến sỹ Đồng Văn Giáo (1528-?), Tiến sỹ Đồng Hãng (1530-?), Tiến sỹ Đồng Đắc (1535-?), Tiến sỹ Đồng Hưng Tạo, Tiến sỹ Đồng Tồn Trạch (1617-1692), Tiến sỹ Đồng Bỉnh Do (1647); Tiến sỹ Đồng Nhân Phái (1581-?), người Thiết Úng, huyện Đông Ngàn (nay là xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), cụ đỗ Hoàng giáp năm Mậu Thìn đời vua Lê Thần Tông (1628), làm quan tới chức Thượng thư; Tiến sỹ Đồng Công Viện (1680-?), người làng Thuần Hậu (sau được đổi tên là Nhân Hậu), xã Hải Lãng, huyện Đại An, trấn Sơn Nam Hạ thời Hậu Lê, nay thuộc xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngài thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân vào năm Nhâm Thìn (1712), là một trong số 17 người đỗ Tiến sĩ trong khoa thi quốc gia có hơn hai ngàn người dự thi. Khoảng gần một năm sau khi thi đỗ Tiến sĩ, ngài được triều đình phân bổ chức quan Giám sát Ngự sử, nhưng khi về quê hương làm lễ "vinh quy bái tổ" theo phong tục đương thời vào ngày 22 tháng giêng năm Quý Tỵ (1713) thì bị chức dịch trong làng kỳ thị (xuất thân trong gia đình nghèo khó) không cho ai ra đón. Vì không chịu được sự xỉ nhục đó mà ngài đã quẫn trí quăng bút nghiên xuống sông và cả người lẫn ngựa phóng xuống sông đầu làng tự vẫn. Sau khi chết, ngài được dân làng vớt lên chôn cất rồi xây miếu thờ tại vị trí ngài trẫm mình tự vẫn, về sau còn được triều đình phong sắc "Trung đẳng thần"; Tiến sỹ Đồng Hưu (1687- ?), người xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đỗ Tiến sỹ năm Giáp Thân đời vụ Lê Dụ Tông (1724), từng đi sứ sang Trung Quốc, cụ làm quan tới chức Tự Khanh; Tiến sỹ Đồng Doãn Giai, người xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đỗ Tiến sỹ năm Bính Thìn đời vua Lê Ý Tông (1736), làm quan Tổng đốc tỉnh Lạng Sơn; Tướng quân Đồng Như Hồng, quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Cụ đỗ tiến sỹ được triều đình phong quận công kiêm chức Đại tướng quân thời Tiền Lê; Danh tướng Đồng Văn Năng, quê ở Thôn Thanh Cao, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tương truyền cụ Đồng Văn Năng là một võ quan có tài thao lược, từng lập nhiều công lớn trong công cuộc chấn hưng Lê triều (1797-1864) nên được phong: “Tán Trị công thần” tức đã làm được những việc quan trọng giúp nhà Vua; Quan Tứ trụ Mạc Triều Đồng Tiến Triều, tổ họ Đồng xã Đại Hợp, Đoàn Xá, Tú Sơn, Tân Phong, huyện Kiến Thụy và các xã An Thái, An Tiến, huyện An Lão, Hải Phòng. Cụ làm quan Tứ trụ triều Mạc vào thế kỷ thứ XVI (1527-1592); Quan Thương biện doanh điền - Đồng Như Kiên, cụ thi đỗ năm Tự Đức 17/1864. Cụ từng làm quan Huấn đạo tỉnh Thừa Thiên, giữ chức Tri phủ Ninh Giang, quê xã Tri Chỉ, tổng Vạn Xuân, huyện Thụy Anh, phủ Kiến Xương, nay là xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; Cụ Đồng Sỹ Vịnh (1833), ở Huế, cụ đỗ đạt thời vua Tự Đức 14/1861 và từng giữ các chức vụ quan trọng như: Ngự tiền văn phòng; Tham tri bộ lễ; Chánh chủ khảo khoa thi hương toàn miền Bắc (văn); Kinh kỳ hiệp lý (võ), Giám đốc thông bửu (ngân hàng),...
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con họ Đồng chúng ta vẫn dựa vào nhau, đùm bọc nhau, vượt qua mọi khó khăn, để trụ vững và trường tồn trên quê hương mình. Cùng với cả dân tộc, họ Đồng chúng ta đã đóng góp một phần công sức, xương máu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Biết bao tấm gương sáng về lòng dũng cảm và sự hy sinh quên mình vì dân, vì nước của những người con họ Đồng như: Nhà cách mạng tiền bối Đồng Sỹ Bình sinh năm 1904, quê ở xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông gia nhập Đảng Tân Việt (tiền thân của Đông Dương cộng sản Liên đoàn) bị Pháp kết án 9 năm tù và đã hi sinh khi 28 tuổi. Anh hùng, liệt sỹ Đồng Quốc Bình sinh năm 1944, người thôn Đại Lộc, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, một tấm gương chiến đấu anh dũng trong trận Mỹ tấn công xuống Bãi Cháy ngày 5/8/1964. HĐND TP.Hải Phòng đã lấy tên ông để đặt tên cho một phường thuộc quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng và còn hàng ngàn các anh hùng liệt sỹ họ Đồng khác nữa...
Giờ đây chúng ta vẫn đang phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và dòng họ, gắng làm hết sức mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong tình hình mới. Những đóng góp của con cháu họ Đồng Việt Nam có nhiều, chúng tôi chỉ xin được nêu ra một số ít tên tuổi tiêu biểu, đó là: Trung tướng Đồng Văn Cống, quê ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Sau 1975 là Phó Tư lệnh Quân khu 7. Phó Tổng thanh tra quân đội. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI. Giáo sư, Tiến sỹ, NGƯT, Trung tướng, Đồng Minh Tại, quê Nghĩa Hoà, Lạng Giang, Bắc Giang, Nguyên Giám đốc Học viện Hậu Cần - Bộ Quốc phòng;  Giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng, quê ở Thanh Hóa. Hiện là Phó Giám đốc Học viện Quân Y- Bộ Quốc Phòng… Ta còn có Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đồng Sĩ Hiền, quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nguyên Tổng thanh tra Bộ Canh Nông - con chim đầu đàn về lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, lâm nghiệp; rồi chúng ta có nữ họ Đồng đầu tiên vừa được phong Giáo sư đầu năm 2015 là GS.TS. Đồng Thị Anh Đào, Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đồng Văn Hệ, quê Kim Thành, Hải Dương, hiện là Trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện Việt - Đức; Ông Đồng Văn Lâm, quê ở Châu Thành, Trà Vinh hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh,...
 

[1] Dòng họ là một thiết chế xã hội cổ truyền, gồm nhiều gia đình cùng huyết thống, có từ lâu ở nước ta. Họ của các dân tộc không giống nhau do điều kiện lịch sử, kinh tề, xã hội, tập quán khác nhau.
Bách khoa toàn thư, định nghĩa : “Dòng họ được hình thành như một tổ chức của những người có chung huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra theo thời gian. Mỗi dòng họ có Từ Đường riêng, có phần mộ tổ tiên, có trưởng tộc, trưởng chi, có ruộng hương hỏa, có gia lễ …”
Với dòng họ - văn hóa là nề nếp gia phong, là cội nguồn danh gia vọng tộc. Quan hệ dòng họ là nét đẹp văn hóa của người Việt đã được duy trì từ hàng ngàn năm nay. Các dòng họ Việt Nam trưởng thành cùng đất nước, các thành viên của các dòng họ đã làm đẹp cho nhà, cho làng, cho nước.
Các dòng họ Việt Nam có tính cộng đồng và tính tự quản rất cao, có nề nếp, thuận hòa trên kính dưới nhường, trong ấm ngoài êm có trên có dưới, có trưởng có thứ, có nội có ngoại, có gần có xa.

Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây