Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330)
Đệ nhị tổ Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Thiệu Bảo thứ 4 (1284), quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Cha là Đồng Thuận Mậu, mẹ tên là Vũ Từ Cứu.
Đệ nhị tổ Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Thiệu Bảo thứ 4 (1284), quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Cha là Đồng Thuận Mậu, mẹ tên là Vũ Từ Cứu.
Tương truyền, có lần bà Vũ Từ Cứu có lần nằm mộng thấy một vị thần đến trao cho thanh kiếm, bà vui vẻ nhận rồi sau đó thì mang thai. Trước khi sinh Pháp Loa, cha mẹ ông đã sinh tới 8 người con nhưng đều là gái, vì vậy sợ lần này cũng sinh ra con gái nên mẹ ông đã dùng thuốc để bỏ cái thai đi. Tuy nhiên, thuốc không có công hiệu dù mẹ ông đã cố gắng dùng thuốc tới 4 lần. Và cuối cùng, Pháp Loa đã được sinh ra.
Chuyện cũng kể rằng, khi Pháp Loa mới sinh ra, người ta cảm thấy có một mùi thơm kỳ lạ bay tỏa khắp nhà. Mọi người đều cho rằng đó là điềm lành và đứa bé này chắc chắn sẽ làm nên sự nghiệp lẫy lừng. Cha mẹ Pháp Loa sinh được con trai lại là một đứa bé kỳ lạ nên rất vui mừng. Nhân việc mẹ ông dùng thuốc phá thai tới 4 lần mà vẫn sinh ra được Pháp Loa nên cha mẹ ông mới quyết định đặt tên cho ông là Kiên Cương (nghĩa là cứng rắn).
Không hề phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, ngay từ nhỏ, Pháp Loa đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, học một biết mười. Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng Pháp Loa đã rất uyên bác. Ông không chỉ tinh thông Phật học mà cả Nho, Lão cũng rất am tường. Một điều đặc biệt là từ nhỏ tới lớn, Pháp Loa tuyệt đối không dùng các thứ thịt, cá. Ngoài ra, ông cũng không hề nói lời xấu, ác và rất biết trọng đức hiếu sinh, giống hệt như một đệ tử nhà Phật.
Năm Hưng Long thứ 12, tức năm 1304, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cùng với đoàn sứ giả du hành khắp nơi trong cả nước để hoằng pháp, bố thí và khuyên dân phá bỏ những miếu thờ thần không chân chính, hướng tâm vào các việc phúc thiện. Khi đoàn sứ giả của Trần Nhân Tông tới huyện Nam Sách quê của Pháp Loa, ông đã tìm đến yết kiến Hoàng Giác Trần Nhân Tông và cầu xin được đi xuất gia.
Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhìn cậu bé Pháp Loa khôi ngô, tuấn tú vui mừng nói: “Kẻ này có tuệ nhãn, ắt sau này làm long thịnh cho Phật pháp!” thế rồi cho ông đi theo hầu về chùa Long Động, làm lễ xuống tóc và cho thụ giới sa di. Sau đó, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông gửi Pháp Loa tới tham học với hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán. Ở đây, Pháp Loa chuyên nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, khi đọc phần chính tông, khi nói về việc đệ tử A Nan bảy lần hỏi về cái “tâm” đến đoạn nói về “khách trần” thì bừng tỉnh, nhận ra là, “tính thấy vốn không sinh, diệt” thì Pháp Loa có được sở ngộ.
Một hôm, Pháp Loa về gặp thầy mình là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và trình kiến giải của mình bằng một bài tụng về “tam yếu”.
Tuy nhiên, bài tụng của ông bị Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông gạch một gạch dài từ trên xuống dưới. Sau đó, Pháp Loa thỉnh cầu mấy lần nhưng Trần Nhân Tông đều làm thinh, bảo: “Hãy tự mình tham khảo lấy”. Đêm ấy, Pháp Loa về phòng nhập thiền, tâm trí bị dao động mạnh với bao ý nghĩ vụt hiện, vụt tắt. Đến quá nửa đêm, nhân thấy hoa đèn tàn rồi rụng xuống, Pháp Loa chợt đại ngộ. Sáng hôm sau, Pháp Loa lên trình chỗ sở ngộ của mình tối hôm qua và được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ấn chứng.
Từ đó, Pháp Loa nguyện tu theo mười hạnh đầu đà và phát lời nguyện nổi tiếng: “Chư Phật và Bồ Tát, có những hạnh nguyện nào, tôi xin học và thực hành theo; dù chúng sinh khen hay chê, dù khinh hay trọng, dù bố thí hay cướp đoạt, khi mắt thấy, tai nghe cũng đều hỉ xả, khiến cho tất cả cùng bước lên nấc thang giác ngộ”.
Đến năm Hưng Long thứ 13, tức năm 1305, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập đại giới đàn để Pháp Loa thụ Tỳ khưu và Bồ tát. Lúc này, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông mới quyết định đổi pháp danh Thiên Lai của ông thành Pháp Loa. Qua nhiều lần khảo chứng, nhận thấy Pháp Loa đã ngộ đạo, lại tinh thông kinh điển nên Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã cử ông làm chủ giảng tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại (nay thuộc Bắc Ninh).
Năm 1307, Pháp Loa cùng với năm vị pháp hữu tới am Ngọa Vân cầu thỉnh Trần Nhân Tông dạy bộ Đại Tuệ Ngữ Lục.Tháng 5 năm đó, trên am Ngọa Vân, khi làm lễ bố tát xong, ngài được Điều Ngự Giác Hoàng trao y bát và tâm kệ.
Tới đúng ngày mồng 1 Tết năm 1307, Ngài Pháp Loa chính thức được Điều Ngự Giác Hoàng cử giữ chức trụ trì chùa Báo Ân, và được suy tôn là Tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Lúc đấy Ngài mới bước sang tuổi 23. Ngày 3 tháng 11 năm Hưng Long thứ 14, tức năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời. Pháp Loa phụng mệnh đưa xá lợi vua về kinh đô.
Sau khi Pháp Loa chính thức được suy tôn là Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm, trở thành người lãnh đạo Phật tử trong cả nước, số người xin xuất gia và quy y học đạo rất đông, số lượng lên tới hàng vạn. Do đệ tử ngày một đông nên Pháp Loa phải nhờ hai vị sư huynh là Tông Cảnh và Bảo Phác về chùa Báo Ân dạy luật Tứ phần cho các đệ tử.
Khi đó, Tông Cảnh trụ trì chùa Tiên Du và Bảo Phác trụ trì chùa Vũ Ninh, cả hai người lúc đó đều đã được triều đình tôn là quốc sư. Pháp Loa nhận trách nhiệm giảng các bộ kinh lớn như Kim Cương, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Pháp Hoa và Niết Bàn, các bộ ngữ lục như: Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục… Ngoài ra, ông còn tới thuyết pháp cho tín đồ tại các chùa Quỳnh Lâm, Dưỡng Phúc, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng Viện và Kiến Xương phủ.
Trong số các đệ tử kể trên, đắc pháp khoảng 3.000 người. Số tự viện cũng được xây dựng rất nhiều, gồm 800 sở, dựng hai đài giảng kinh, xây 5 cây bảo tháp, đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Trong thời gian này, Pháp Loa cũng là người tổ chức in bộ Đại Tạng Kinh đời nhà Trần nổi tiếng còn được lưu truyền đến ngày nay. Chưa bao giờ Phật giáo phát triển thịnh vượng đến thế.
Tới năm Đại Khánh thứ 4, tức năm 1317, đời Trần Minh Tông, Pháp Loa bị ốm nặng liền viết tâm kệ và lấy bộ pháp y của Điều Ngự Giác Hoàng trao cho mình khi trước để trao lại cho đệ tử Huyền Quang, pháp khí và tích trượng thì trao cho Cảnh Nguyện, phất tử trao cho Cảnh Huy, gậy trúc trao cho Huệ Quán, pháp thư trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ân, mỏ vàng trao cho Huệ Chúc,… Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, sức khỏe của Pháp Loa lại bình phục trở lại.
Tới năm 1318, Thượng hoàng Trần Anh Tông mời Pháp Loa vào cung Thiên Trường để giảng cho mình về bộ Tuyết Đầu Ngữ Lục. Sau khi khóa giảng kết thúc, Anh Tông tự tay viết 4 chữ “Phổ Tuệ Tôn Giả” tặng Pháp Loa. Người ta nói rằng, vua Anh Tông rất tôn kính Pháp Loa, thường khiêm tốn xưng với ông là đệ tử.
Không chỉ Trần Anh Tông, các thành viên hoàng thất và quý tộc triều Trần cũng rất tôn kính Pháp Loa. Nhập nội Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn cũng mời ông vào phủ An Hoa giảng Đại Tuệ ngữ Lục. Cũng năm ấy, Pháp Loa còn trao giới tam quy tại gia cho công chúa Hoa Dương.
Tới ngày 02/5/1330, niên hiệu Khai Hưu thứ 11, lúc đang giảng kinh Hoa Nghiêm cho chúng đệ tử tại viện An Lạc thì Pháp Loa bỗng dưng cảm thấy trong người khó chịu. Ông đành nhờ trưởng lão Bích Phong thay mình giảng tiếp rồi lui về phòng nghỉ ngơi. Từ hôm đó cho tới ngày 11 thì bệnh của ông ngày càng nặng hơn. Ngày 13, các đệ tử đưa ngài về viện Quỳnh Lâm tĩnh dưỡng. Tại đây, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân tới thăm và gọi ngự y tới chẩn mạch, cắt thuốc cho Pháp Loa nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tới lúc này, các đệ tử mới quỳ xuống thưa: “Xưa nay các bậc đại ngộ, lúc sắp tịch, đều có những lời kệ để lại cho đời sau, sao riêng thầy không có?”.
Pháp Loa liền ngồi dậy, cầm bút viết bài kệ rằng:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian,
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh man khoan
Nghĩa là:
Muôn duyên cắt đứt, một thân nhan,
Trót nửa cuộc đời mộng thế gian,
Hỡi các môn đồ đừng gạn hỏi,
Bên kia trăng gió đẹp mênh mang
Viết xong bài kệ, Pháp Loa an nhiên viên tịch, hôm đó nhằm ngày 03 tháng 3 năm 1330, thọ 42 tuổi. Sau khi được tin Pháp Loa viên tịch, Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút truy tặng ngài là Tịnh Trí Đại Tôn Giả. Các đệ tử theo di chúc của Pháp Loa, đưa nhục thể ông về an táng tại ngọn tháp trên núi Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay.
Mặc dù qua đời khá sớm nhưng trong suốt 24 năm ròng rã, Pháp Loa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà thầy mình là Trần Nhân Tông giao phó, trở thành vị tổ nổi tiếng của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Đó là:
Một là, củng cố và phát triển việc tổ chức giáo hội Phật giáo thống nhất
Sau khi xuất gia, tu hành, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông dốc toàn tâm lực để xây dựng cơ sở vững chãi cho một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tại Việt Nam. Chính vì thế, Pháp Loa được giới quý tộc ủng hộ mạnh mẽ, nên đã thi hành dễ dàng nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội của mình. Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) cung kính vâng theo di chúc của vua cha Trần Nhân Tông, đối với Pháp Loa luôn tự xưng là đệ tử, hết lòng ủng hộ việc hành đạo của Pháp Loa.
Trong thời kỳ Pháp Loa đứng đầu giáo hội, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ. Đây là thời kỳ mà số người xuất gia rất đông. Theo Văn bia tháp Viên Thông, cũng như Tam Tổ thực lục, vào tháng 9 năm Quý Sửu (1313), Pháp Loa đã đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang (còn gọi là chùa Đức La, hiện ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), quy định chức vụ sư tăng trong cả nước và bổ nhiệm hơn 100 ngôi chùa. Từ đó, tất cả các tăng nhân đều có sổ và thuộc quyền quản trị của Pháp Loa. Như vậy, Pháp Loa đã tiến một bước trong việc tổ chức giáo hội thống nhất. Có thể nói rằng, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành trụ sở Trung ương Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng ni cả nước. Bấy giờ Pháp Loa độ cho hơn một nghìn người làm sư. Pháp Loa cũng quy định, từ nay cứ 3 năm độ Tăng một lần, mỗi lần độ không dưới một nghìn người. Tính đến năm 1329, Pháp Loa đã độ được hơn 1.500 vị tăng ni.
Dưới thời Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, nhiều chùa tháp đã được xây dựng. Bản thân Pháp Loa, tính đến năm 1329, đã xây dựng hai khu chùa lớn là Báo Ân và Quỳnh Lâm, năm ngọn tháp và 200 tăng đường. Riêng ở chùa Báo Ân (Siêu Loại), năm 1314, Pháp Loa đã cho xây 33 cơ sở, gồm Phật điện, gác chứa Kinh và tăng đường. Pháp Loa còn xây dựng các am như: Hồ Thiên, Chân Lạc, An Mã, Vĩnh Khê, Hạc Lai và mở rộng các khu chùa Thanh Mai và Côn Sơn. Các đồ đệ của Pháp Loa cũng cho xây dựng chùa tháp ở nhiều nơi. Chẳng hạn, một đồ đệ của Pháp Loa là Thiền sư Trí Nhu đã xây dựng tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy (tức núi Non Nước, Ninh Bình - Theo Linh Tế tháp ký của Trương Hán Siêu, soạn năm 1343) và tháp Hiển Diệu ở núi Tiên Long (Hoa Lư, Ninh Bình - Theo tấm bia ở vách núi Tháp, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, Ninh Bình: văn bia do Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác soạn năm 1367). Pháp Loa cũng đã đúc tới 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng.
Nhờ sự giúp đỡ của giới quý tộc, thế lực kinh tế của các cơ sở Giáo hội Trúc Lâm cũng rất lớn. Các chùa có khá nhiều ruộng đất. Năm 1308, vua Trần Anh Tông đã lấy 100 mẫu ruộng của riêng gia tộc nhà Trần để cúng vào chùa Báo Ân. Năm 1312, nhà vua lại xuất vàng bạc của kho riêng, tính ra tiền là 50.000 quan giao cho Pháp Loa để bố thí cho những người nghèo. Cùng năm ấy, vua Trần Anh Tông lại khiến những người thân cúng 500 mẫu ruộng tại Niệm Như Trang để Pháp Loa làm của thường trụ Tam bảo (ba vật quý báu của đạo Phật là Phật - Pháp - Tăng; cũng để chỉ chung nhà chùa). Năm 1313, vua Trần Anh Tông, theo lời di chiếu của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự Tam bảo tại cung Thánh Từ (thân mẫu vua Trần Anh Tông) mà cúng dường vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cũng trong năm ấy, Bảo Từ Hoàng Thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Năm 1315, vua Trần Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân quá cố là Phạm Thị ban cho Pháp Loa làm của thường trụ.
Tháng 12 năm Đinh Tỵ (1317), Pháp Loa sáng lập viện Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), Tư đồ Văn Huệ vương Trần Quang Triều là thí chủ, cúng 4.000 quan tiền. Nguyễn Trường ở Vân Động đến yết kiến Pháp Loa, cúng 75 mẫu ruộng để làm của thường trụ Tam bảo cho viện Quỳnh Lâm.
Năm 1318, Hoa Lưu cư sĩ Võ công cúng 20 mẫu ruộng tại trang trại Hoa Lưu để làm của thường trụ cho viện Quỳnh Lâm. Năm 1319, dân các lộ bị mất mùa, vua Trần Anh Tông xuất của kho riêng 100 lượng vàng và 500 lượng bạc giao cho Pháp Loa bố thí cho những người nghèo đói. Năm 1324, Di Loan cư sĩ, con trai của Công chúa Nhật Trinh, cúng 30 mẫu ruộng ở phủ Thanh Hoa, Bảo từ Hoàng Thái hậu cúng thêm 22 mẫu đất tại phủ An Hoa. Tư đồ Văn Huệ vương Trần Quang Triều lại cúng 300 mẫu ruộng tại Gia Lâm và hai trang trại Đông Gia, An Lưu, tất cả hơn 1.000 mẫu và gia nô hơn 1.000 người để làm của thường trụ cho viện Quỳnh Lâm.
Hai là, tiến hành thường xuyên việc giảng Kinh và ấn loát các tài liệu Phật giáo
Trong thời gian Pháp Loa đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm, số lượng tự viện trong cả nước tăng lên rất nhiều, phong trào học Phật đạo lan rộng, số người xuất gia và quy y cũng tăng lên rất mau chóng. Có thể nói, ngoài việc dựng chùa tô tượng, một hoạt động quan trọng của Pháp Loa là mở các hội giảng Kinh và in ấn các tài liệu Phật học.
Trong thời kỳ đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm, Pháp Loa rất chú trọng việc giảng dạy kinh điển Phật giáo. Ngoài sự giảng dạy các Kinh phổ thông (như: Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giácvà các bộ lục như Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục), Pháp Loa còn giảng các Kinh Niết Bàn, Lăng Già, Pháp Hoa và nhất là Hoa Nghiêm.
Hoa Nghiêm kinh là tên gọi tắt của bộ Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, là bộ Kinh cơ bản của Hoa Nghiêm tông thuộc phái Đại thừa. Kinh nhấn mạnh đến tính “vô ngại” của mọi hiện tượng và chủ trương rằng: “Tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật”. Vì Thiền học vào thời kỳ này đã mang nặng tính chất học hỏi và đàm thuyết. Việc học Hoa Nghiêm kinh đã trở thành một phong trào thiền giới. Tính từ năm 1306, Pháp Loa lần đầu tiên được cử làm chủ giảng ở chùa Siêu Loại, đến năm cuối cùng cuộc đời mình (1330), theo Tam Tổ thực lục, Pháp Loa làm chủ giảng 18 hội giảng Kinh, thì có tới 9 lần giảng Hoa Nghiêm kinh. Pháp Loa đã giảng Hoa Nghiêm kinh nhiều lần tại các chùa: Siêu Loại, Quỳnh Lâm, Dương Phước, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng viện và Kiến Xương phủ. Năm 1330, đang giảng Hoa Nghiêm kinh tại An Lạc Tàng viện, thấy sức yếu, Pháp Loa phải nhờ Bích Phong Trưởng lão giảng tiếp. Những buổi giảng Kinh như thế rất đông người nghe, thường thường khoảng trên 500, 600 người. Khóa giảng năm 1322, ở chùa Báo Ân, có hơn 1.000 người đến nghe.
Năm 1311, lần đầu tiên, Pháp Loa phụng chiếu tiếp tục in bộ Đại Tạng kinh. Công việc này đã bắt đầu từ khi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn sống, vào khoảng sau năm 1295, lúc Nội Viên ngoại lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo xin được bộ Đại Tạng kinh ở nước Nguyên. Ấn bản này sau được cất ở phủ Thiên Trường. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép là: “In bản phó để lưu hành”. Pháp Loa đã ủy cho Bảo Sát, một đệ tử của Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông, trông coi việc khắc in Đại Tạng kinh. Có lẽ việc khắc in đã hoàn thành vào năm 1319. Sách Tam tổ thực lục chép: “Tháng 12 năm Kỷ Mùi (1319), Sư (chỉ Pháp Loa - tác giả) kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại Tạng kinh hơn 5.000 quyển, để tại viện Quỳnh Lâm”.
Ấn bản Đại Tạng kinh được thực hiện tại Kinh đô Thăng Long, do sư Bảo Sát chủ trì tương đối ngắn hơn ấn bản năm 1294 của nhà Nguyên, vì Bảo Sát trong khi tục san đã bỏ đi một số kinh mục không thông dụng. Số quyển còn lại trên 5.000 quyển, so với số 6.010 quyển ấn bản chùa Phổ Minh ở Hàng Châu. Sách Tam tổ thực lục hai lần sử dụng từ Đại Tạng kinh hơn 5.000 quyển, để nói về bộ Kinh này được in vào đời Trần mà không cho biết con số chính xác.
Việc khắc bản Đại Tạng kinh là một công trình vĩ đại mà không có ngôi chùa nào hồi đó có đủ tiềm lực tài chính để một mình tự làm. Bảo Sát chắc chắn đã thực hiện ấn bản này với sự ủng hộ tài chính lớn của triều đình và dưới quyền Thiền sư có hàng trăm người viết chữ và hàng trăm thợ khắc bản. Nếu không có sự trợ giúp về tài chính và nhân công của triều đình, thì Bảo Sát đã không thể hoàn thành được công việc lớn lao ấy. Rất tiếc cho đến nay, ta không còn giữ lại được một bản gỗ nào hoặc một quyển nào trong số hơn 5.000 quyển Đại Tạng kinh ấy, để có thể đánh giá được kỹ thuật ấn loát thời đó. Khi quân Minh xâm lược Đại Việt, tướng Trương Phụ nhận được từ Minh Thành Tổ hai đạo sắc (một đạo đề ngày 21/8/1406 và một đạo đề ngày 16/6/1407) ra lệnh tất cả mọi sách vở, văn bia do người Việt dựng đều phải thiêu hủy hết. Có thể thấy mộc bản Đại Tạng kinh của nhà Trần hoặc đã bị quân Minh chở về Kim Lăng hoặc thiêu hủy.
Năm 1322, Pháp Loa đã cho khắc ván quyển Tứ phần luật (Giới luật của tỳ kheo) in đến hơn 5.000 bản. Sau đó, Pháp Loa mời Quốc sư Tông Kính ở núi Tiên Du và Quốc sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh đến chùa Siêu Loại giảng bộ luật này.
Ba là, phát triển khuynh hướng Mật giáo đời Trần
Khuynh hướng Mật giáo - Mật Tông (Trường phái Mật giáo tại Trung Quốc, do ba cao tăng Ấn Độ đưa vào trong thế kỷ VIII. Đó là Thiện Vô Úy (637 - 735), Kim Cương Trí (663 - 723), Bất Không Kim Cương (705 - 774). Mật Tông là giáo pháp mà sự phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết), và đó là lý do mà Mật Tông không được truyền bá rộng rãi. Các yếu tố quan trọng của Mật Tông là Phép niệm → Man Tra, Phép bắt → Ấn và sử dụng → Mađala cũng như các lần →Quán đỉnh) vốn đã khá nổi bật ở phái Tìniđalưuchi. Khuynh hướng này đã phát triển dưới thời Đinh, Tiền Lê. Đến thời Lý, nhiều nhà sư ở phái này vẫn tiếp tục các phép tu tập Mật giáo. Đại diện tiêu biểu là Thiền sư Vạn Hạnh ( ? - 1018), thuộc đời thứ 12 dòng thiền Tìniđalưuchi.
Phật giáo đầu đời Trần không bị ảnh hưởng của Mật giáo nhiều như ở đời Lý. Các tác phẩm Phật học của Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, tuy có thiên về sự học hỏi và có khuynh hướng văn chương, nhưng về ảnh hưởng Mật Tông đã nhẹ. Bắt đầu từ đời Trần Anh Tông (1293 - 1314) và Pháp Loa, ảnh hưởng Mật Tông trở thành nặng nề trở lại.
Năm 1318, vua Trần Anh Tông xuống chiếu đi tìm vị tăng sĩ Ấn Độ là Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi về dịch một cuốn kinh Mật giáo, tên là Bạch Tán Cái Thần chú kinh. Việc này vua Trần Anh Tông đích thân giao trách nhiệm cho Pháp Loa.
Pháp Loa thiền sư cũng phân tích và chú thích một số kinh văn có khuynh hướng Mật giáo, gọi là Kim Cương Trường Đà La Ni khoa chú. Năm 1311, có một vị tăng sĩ Ấn Độ, tên là Du Chi Ba Lam tới, xưng là 300 tuổi theo Mật giáo có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước. Vị tăng này có một cô con gái tên là Đa La Thanh, được vua Trần Anh Tông tuyển vào làm cung phi. Vào đời vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) cũng có một vị tăng Mật giáo Ấn Độ tên là Bồ Đề Thất Lý sang, cũng có thể nổi trên mặt nước. Vua Trần Anh Tông có vẻ ưa chuộng Mật giáo. Một nghi lễ Mật giáo là lễ Quán đỉnh (Rưới nước phép - Lễ rưới nước lên đầu, một nghi thức tôn giáo long trọng của Mật Tông) được tiến hành khá phổ biến thời kỳ Pháp Loa đứng đầu Giáo hội. Vua được Pháp Loa làm lễ Quán đỉnh vào năm 1320 trước khi băng hà. Sau này, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Pháp Loa, nhiều người khác như Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương cũng đã xin nhận lễ Quán đỉnh, một nghi thức long trọng của Mật giáo.
Bốn là, sự nghiệp trước tác và đào tạo đệ tử
Pháp Loa còn chú giải nhiều kinh điển Phật giáo, trước tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên tập nhiều nghi thức. Những tác phẩm của Thiền sư Pháp Loa cũng được đưa vào trong bộ Đại Tạng của nhà Trần.
Pháp Loa đã biên soạn những tác phẩm sau: Tham thiền yếu chỉ (soạn năm 1322 theo lời yêu cầu của Thượng Hoàng Trần Minh Tông. Sau đó Trần Minh Tông ban hiệu cho Pháp Loa là Minh Giác); Kim Cương tràng đà la ni kinh khoa chú; Niết bàn Đại kinh khoa sớ; Pháp Hoa kinh khoa sớ; Lăng già tứ quyển khoa sớ; Bát nhã tâm kinh khoa sớ; Pháp sự khoa văn; Độ môn trợ thành tập; Nhân vương hộ quốc nghi quỹ (sách soạn riêng cho Thượng Hoàng Trần Minh Tông “để tiện việc tu thân”).
Ngoài ra, Pháp Loa còn biên tập Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục và viết bài bạt cho bản in Đại Tạng kinh. Các tác phẩm Phật học trên đây do Pháp Loa biên soạn nay không còn nữa. Điều đó làm chúng ta khó khăn trong việc tìm hiểu tư tưởng Phật giáo của Pháp Loa. Tuy nhiên, trong Tam tổ thực lục, sau phần tiểu truyện Pháp Loa, có in thêm một phần Thiền đạo yếu học, gồm 4 bài luận thuyết và một đoạn ngữ lục, xét kỹ nội dung có vẻ là những chương còn sót lại của tác phẩm Tham thiền yếu chỉ mà lâu nay vẫn được các nhà nghiên cứu mặc nhận của Pháp Loa. Khác hẳn lối văn giảng thuyết của Trần Thái Tông trong Thiền tông chỉ nam tự hay Khóa hư lục, rất giầu hình ảnh, đây là những đề cương ngắn gọn, cô đúc, nhưng lập luận chặt chẽ và có sức khái quát cao.
Khác với Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông và Đệ tam tổ Huyền Quang là những thi sĩ tài năng để lại hàng chục áng thơ bất hủ, Thiền sư Pháp Loa ít sáng tác thơ, hiện chỉ còn lại 3 bài là: Nhập tục luyến thanh sơn (Vào cõi tục tiếc non xanh), Tán Tuệ Trung Thượng sĩ (Ca ngợi Tuệ Trung Thượng sĩ) và Thị tịch (Gợi bảo đệ tử trước khi chết).
Sách Tam tổ thực lục cho biết: “Những đệ tử đắc pháp [của Pháp Loa Thiền sư có hơn 3.000 người đã liệt kê ở lược đồ”.
Tuy nhiên, theo Văn bia tháp Viên Thông trên núi Thanh Mai, nơi mai táng thi hài Thiền sư, thì Pháp Loa có hơn 30 đệ tử (Bia tháp Viên Thông khắc rõ là “Đệ tử tam thập dư nhân” - Đệ tử hơn 30 người). Chắc hẳn là nhầm lẫn khi sao chép Tam tổ thực lục, người ta đã ghi sai: 弟 子 三 十 餘 人 (Đệ tử tam thập dư nhân) thành ra là 弟 子 三 千 餘 人 (Đệ tử tam thiên dư nhân - Đệ tử 3.000 người). Trên bia, danh sách các đệ tử được ghi trong 2 sơ đồ. Đếm số tên còn đọc được ta có 38 người. Ngoài Huyền Quang, Pháp Loa còn có một số đệ tử gần gũi như: Cảnh Ngung, Cảnh Huy, Huệ Nhiên, Huệ Chúc, Hải Ấn…
Có thể nói đời Pháp Loa là đời một vị chân tu đầy hoạt động. Chúng ta ngày nay thật cảm phục “cặp mắt xanh” tinh tường của Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông đã phát hiện ra biệt tài của Pháp Loa khi còn rất trẻ và đã trao trọng trách kế tục dòng Phật pháp do Ngài khai sáng. Lịch sử Phật giáo Việt Nam mãi mãi ghi nhận Pháp Loa như là một Thiền sư vừa uyên thâm về giáo lý đạo Thiền, vừa có tài tổ chức các hoạt động của Phật giáo trong nước thời bấy giờ. Đúng như câu thơ của vua Trần Minh Tông viếng Pháp Loa, khi nhà vua đến thăm chùa Thanh Mai: “Thóa thủ trần hoàn dĩ liễu duyên/Giác Hoàng kim lũ đắc nhân truyền” (Nghĩa là: Phủi tay thế là xong duyên nghiệp cõi trần/Sợi tơ vàng, cũng như “Kim thằng”, tượng trưng cho Đạo Phật) của Đức Giác Hoàng (Phật, ở đây chỉ vua Trần Nhân Tông) đã tìm được người truyền lại.
Có thể nói, Đức Pháp Loa Thiền sư vẫn còn sống mãi trong dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam.
Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến