Thân thế, sự nghiệp Tán trị Công thần, Anh vĩ Tướng quân Đô chỉ huy sứ tả hữu vệ quân cẩm y, Phổ Dương hầu Đồng Văn Năng

Thứ sáu - 29/05/2020 10:45 1.215 0
Hiện tại dòng họ Đồng có nhiều chi nhánh và ở khắp cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Theo gia phả của nhiều chi nhánh thuộc dòng họ Đồng ở Việt Nam cho rằng dòng họ "Đồng Văn" bắt nguồn từ dòng họ Tư Mã ở Trung Quốc, vì thế mà trong hán việt chữ Tư gần giống với chữ Đồng.
Nhà thở Danh tướng Đồng Văn Năng
Nhà thở Danh tướng Đồng Văn Năng

PHẦN I. LỊCH SỬ DÒNG HỌ ĐỒNG.

Thời nhà Tống, do bất mãn với triều đình, một trong những người của dòng họ Tư Mã là Tư Mạnh Hoạch làm quan trong triều đã trốn sang Việt Nam và đổi tên dòng họ “Tư” thành họ “Đồng” để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Nhiều tài liệu còn cho biết thêm, gốc họ Đồng đầu tiên ở Việt Nam là ở Nam Định. Hiện nay, ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có hàng nghìn hộ mang họ Đồng.

Dòng họ Đồng ở Trực Ninh, Nam Định tới nay khoảng 36 đời, có Gia phả rõ ràng. Nhánh họ Đồng ở Hải Dương được xác định chính xác có nguồn gốc tại Nam Định, tới nay cũng khoảng 18 đời. Như thế họ Đồng đã ở Việt Nam khoảng 700 trăm năm, tương ứng với triều đại nhà Trần ở Việt Nam và ở Trung Quốc là nhà Tống đang bị Mông Cổ xâm lược sau thành nhà Nguyên. Họ Đồng ở làng Thanh Cao, xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh có nguồn gốc từ Hải Dương. Theo gia phả họ Đồng chép năm Thành Thái thập tam niên chính nguyệt thập ngũ nhật (Thành Thái năm thứ 13, ngày 15 tháng giêng) chép: Thuỷ tổ của họ Đồng thôn Thanh Cao, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là Đồng Bồi hiệu là Cặp từ Hải Dương về xã Kiều Mộc, phủ Nghệ An. Mộ Đồng Bồi táng tại “xứ xứ thượng Trản Trản”. Bản di thảo thứ 2 chép lại năm Bảo Đại thập lục niên chính nguyệt nhị thập nhật (Bảo đại năm thứ 16, ngày 20 tháng giêng) ghi rõ: Đồng Sỹ Khôi tức Đồng Đại La ở phủ Trạch Nội, Hải Dương đến xã Kiều Mộc, phủ Nghệ An sinh ra Đồng Bồi, và cả hai bản đều xác nhận Đồng Bồi là thuỷ tổ của họ Đồng Kiều Mộc.

Di tích nhà thờ họ Đồng Văn thuộc địa phận xóm Thanh Cao, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi thờ một vị quan có nhiều công lao đóng góp cho đất nước ở Thế kỷ thứ XV là Đồng Văn Năng. Thạch Khê thủa sơ khai còn có tên gọi là xứ Kẻ Phôốc một vùng đất hoang vu cư dân thưa thớt. Đến thế kỷ XI, nhà Lý với chính sách mở rộng bờ cõi đã cho Lý Nhật Quang đưa binh lính, chiêu mộ nhân dân vào đây chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, tăng cường thuỷ lợi phát triển canh nông làm cho làng xóm ngày càng đông đúc trù phú. Từ đó xứ Kẻ Phôốc có tên gọi là xã Long Phúc (Long (隆) là thịnh, Phúc (福) là phúc đức). Thủa Lê Triều, Thạch Khê có 2 thôn: Trản Nội và Trản Ngoại thuộc xã Đàn Trản, sau đổi thành xã Kiều Mộc, tổng Hạ Nhị, phủ Thạch Hà. Thời Nguyễn đổi thành xã Phong Phú. Sau Cách mạng tháng Tám cùng với 2 làng Đàn Trản và Như Sơn lập thành xã Long Tường. Năm 1950 hợp với Tứ Linh thành xã mới Liên Anh.

Sau năm 1954, Liên Anh chia làm 3 xã: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hội (Trản Nội xưa thuộc xã Thạch Khê, Trản Ngoại thuộc xã Thạch Đỉnh). Vùng đất Thạch Khê phía đông giáp xã Thạch Đỉnh, phía đông bắc giáp xã Thạch Hải, tây bắc giáp xã Thạch Đồng và Thạch Môn.

Dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn vất vả. Nhưng khí thiêng sông núi hun đúc cho vùng đất có truyền thống văn khoa võ nghệ từ lâu đời, sớm nổi danh nhiều vị văn thao võ lược, tiêu biểu như Tiến sỹ Nguyên Tôn Tây (1463); Võ quan tước Hầu “Tán trị Lê Triều” Đồng Văn Năng; Quan Đô đài ngự sử Triều Lê Trương Đăng Quỵ; Tiến sĩ Trương Quốc Dụng người có nhiều cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhà văn hoá, nhà khoa học lớn, nhà cải cách chính trị và là một danh tướng Việt Nam thế kỷ XIX….

PHẦN II. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐỒNG VĂN NĂNG.

Đồng Văn Năng (?- ?) tên còn gọi trong dân gian là “Ông Phổ”, là Đức Tổ đời thứ 4 của dòng họ Đồng Kiều Mộc.

Đầu thế kỷ XVI, Lê triều bước vào giai đoạn suy vong do bộ máy thống trị ngày càng hủ bại, mục nát, tầng lớp quan lại sống xa hoa trụy lạc.

Các vị vua về sau (kể từ vị vua thứ 7 triều đình nhà Nguyễn), đó là:

 -Ông vua thứ 7 là Uy Mục Đế, một ông vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại tôn thất, giết ngầm Tổ mẫu, gọi là quỷ vương, bị bề tôi là Giản Tu Công giết;

-Ông vua thứ 8 là Tương Dực Đế, vừa mới lên ngôi đã ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là làm. Song ham chơi,việc thổ mộc bừa bãi, dân thất nghiệp, trộm cắp nổi dậy, dẫn đến suy vong. Ông đã bị Trịnh Duy Sản giết và hỏa thiêu

-Vua thứ 9 là Lê Chiêu Tông, bấy giờ trong nước loạn lạc, quyền bính không ở tay mình, trong nghe lời xiểm nịnh gian trá, ngoài say mê săn bắn chim muông, ngu tối không biết gì, ương ngạnh tự phụ, dẫn đến suy vong, bị Mạc Đăng Dung giết chết;

-Ông vua thứ 10 là Hoàng Xuân Đệ, bị Mạc Đăng Dung giết cùng với Thái hậu. Như vậy Triều Lê Sơ, từ Uy mục trở đi rơi vào tình trạng rối ren, nhân cách các vị vua thấp kém.

Sau cái chết của Hoàng Đệ Xuân, Mạc Đăng Dung chính thức lên ngôi vua. Đông Đô – Thăng Long trở thành thủ đô nhà Mạc – Bắc Triều. Mạc Đăng Dung sinh năm 1483 ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương ( nay thuộc Thành phố Hải Phòng) là hậu duệ sau 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi. Các cuộc tranh giành, thoán đoạt và xung đột giữa các phe phái phong kiến ngày càng gay gắt.

 Năm 1527, tập đoàn phong kiến Mạc Đăng Dung thắng thế. Khi họ Mạc vừa lên nắm chính quyền thì các phe phái phong kiến đối lập nấp dưới chiêu bài khôi phục triều đại chính thống nổi lên dẹp Mạc. Trong số đó có một viên tướng cũ của triều Lê là Nguyễn Kim ra sức tập hợp các thế lực chống Mạc, lập chính quyền riêng mang danh nghĩa “triều Lê trung hưng”, chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An.

Năm 1545 Nguyễn Kim chết, quyền hành lọt vào tay con rể Trịnh Kiểm. Hậu quả là đất nước từ đây bị chia cắt thành hai miền do hai tập đoàn phong kiến đối lập nhau về quyền lợi thống giữ (Bắc triều là vùng Bắc Bộ ngày nay của họ Mạc; Nam triều tính từ Thanh Hóa trở vào của họ Trịnh). Nạn nhân trực tiếp của cuộc nội chiến ác liệt suốt hơn nửa thế kỷ(từ 1527-1592) giữa hai tập đoàn phong kiến thù địch đó là nhân dân. Tai hại hơn, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc còn bị xâm phạm khi họ Mạc đã tỏ ra hèn hạ đầu hàng nhà Minh (Trung Quốc), đem dâng một phần đất của Tổ quốc cho kẻ thù để mong được rảnh tay đàn áp nhân dân và đối phó với phe phái đối lập trong nước.

Trong lúc đó, tại vùng phía Nam của đất nước, từ trước khi cuộc nội chiến Nam - Bắc triều kết thúc, đã hình thành một cơ sở cát cứ mới và ở đấy đang nhen lên một ngọn lửa chiến tranh còn ác liệt hơn: nội chiến Trịnh- Nguyễn (từ năm 1627-1672) gây ra nhiều tổn hại đau thương cho nhân dân.

Đồng Văn Năng sống trong hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương đó. Là một võ quan làm được nhiều việc quan trọng giúp Vua nên được suy tôn công ơn, thưởng lộc và vinh phong chức, tước, được gia phong Tán trị công thần, anh dũng tướng quân...

Tuy nhiên, tư liệu chính sử chép về sự nghiệp của Võ quan Đồng Văn Năng khá hiếm hoi, để có được một sự nhìn nhận đánh giá sâu hơn về thân thế, sự nghiệp cùng những cống hiến cho quê hương đất nước của ông, phải dựa chủ yếu vào các nguồn tư liệu thành văn do dòng họ cung cấp như gia phả, các đạo sắc do các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng, tư liệu lịch sử địa phương và các tư liệu truyền ngôn... Tương truyền Đồng Văn Năng là một võ quan có tài thao lược, từng lập nhiều công lớn trong công cuộc chấn hưng Lê triều, nên được phong :, “Tán Trị công thần” tức đã làm được những việc quan trọng giúp Vua, “Anh vĩ tướng quân” Đô chỉ huy sứ tả hữu kiểm vệ quân Cẩm y, tước Phổ dương hầu thuộc hàng tam phẩm ( theo quan chế Triều Lê thì thuộc hàng thứ 3 trong 9 phẩm). Gia phổ chép rõ: “Đồng Văn Năng thường gọi là “ông Phổ” được phong: “Tán trị công thần, Anh vĩ tướng quân Đô chỉ huy sứ tả hữu kiểm vệ quân cẩm y, tước Phổ dương hầu Đồng Duy Năng”; Bản di thảo cũng chép: “Tán trị công thần cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ tả hữu kiểm, Phổ dương hầu Đồng quý công huý Năng”.

Hiện tại con cháu trong dòng tộc còn lưu giữ 6 đạo sắc phong thần, nhưng có 4 đạo sắc phong thần bị hư hỏng không đủ tư liệu nghiên cứu chỉ còn 2 đạo sắc phong thần còn mới có nội dung như sau:

Sắc thứ nhất: “ Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Thạch Hà phủ, Kiều Mộc xã, Trản Nội thôn, tòng tiền phụng sự Lê triều tán trị công thần đặc tiến Anh vĩ tướng quân Phổ dương hầu đồng phủ quân chi thần, nậm trứ linh ứng tứ kim phỉ thừa cảnh mệnh diến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ kỷ thần kỳ tương hựu, bảo ngã Lê dân”.

Khâm tai! Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.

Dịch nghĩa:

“Sắc cho thôn Trản Nội, xã Kiều Mộc, phủ Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh thờ vị thần “Lê triều tán trị công thần, đặc tiến Anh vĩ Tướng quân Phổ dương hầu Đồng phủ quân” đã từng linh ứng. Nay (Ta) vâng nối mệnh sáng, tưởng đến công lao của thần, nên phong làm “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”, chuẩn cho phụng sự để thần giúp đỡ, bảo vệ dân đen của ta”.

Khâm tai!

Khải Định năm thứ hai ngày 18 tháng 3(1917).

Sắc thứ hai:

Sắc phong thần năm Khải Định thứ 9 “Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Thạch Hà phủ, Kiều Mộc xã, Trản Nội thôn, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Dực bảo trung hưng linh phù bản cảnh Lê triều tán trị công thần, Anh dũng tướng quân, Phổ dương hầu Đồng phủ quân tôn thần, hộ quốc tỷ dân nậm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự, tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban báu chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ gia tặng Đoan túc tôn thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển”.

Khâm tai! Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

“Sắc cho thôn Trản Nội, xã Kiều Mộc, Phủ Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh từ trước thờ phụng vị thần nguyên tặng “Dực bảo trung hưng linh phù bản cảnh, Lê triều tán trị công thần, Anh dũng tướng quân, Phổ dương hầu Đồng phủ quân tôn thần”, cứu nước giúp dân đã từng linh ứng, chờ gặp dịp ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng vào lễ tứ tuần đại khánh của Trẫm, từng ban báu chiếu ra ân, để ghi ngày quốc khánh mà mở rộng điển thờ”.

Khâm tai!

Khải Định năm thứ chín, ngày 25 tháng 7.

Qua khảo sát và nghiên cứu tại thực địa, hệ thống nhà thờ, các tư liệu thành văn như sắc phong, gia phả và căn cứ vào quy định của Luật Di sản Văn hóa, nhà thờ Đồng Văn Năng được đánh giá xếp loại thuộc loại hình di tích Lịch sử- Văn hóa, lưu niệm danh nhân.

Theo truyền miệng và các tư liệu lịch sử địa phương cho biết: trước đây vị Tán trị công thần Triều Lê huý Đồng Văn Năng là vị nhân thần “Dực bảo trung hưng linh phù bản cảnh, Lê triều tán trị công thần, Anh dũng tướng quân, Phổ dương hầu Đồng phủ quân tôn thần” được nhân dân tôn làm Thành Hoàng làng - Vị thần bảo hộ của mỗi làng Việt cổ truyền, sự linh thiêng của thần được các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong chuẩn cho dân làng thờ phụng tại Đền Sắc Trản Nội.

Đền Sắc Trản Nội phân bố trên một khu đất cao ở phía bắc rìa làng, thế đất tuy hẹp nhưng tầm nhìn mở rộng và phóng khoáng. Đền có hướng Đông Nam, mặt đền hướng ra ruộng lúa phì nhiêu, xa xa là con sông xanh mát. Các cụ cao niên kể lại! trước đây Đền Sắc được xây ba gian bằng đá, phía trong đều kẻ vẽ hoa văn, đỉnh nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Nội thất ba gian đều bố trí ban thờ đắp bằng vôi đá, trên có hương án, hòm sắc và đồ tế khí. Nhưng do chiến tranh và sự biến đổi của lịch sử nên Đền đã bị phá huỷ từ những năm 1960. Đền Sắc Trản Nội nay chỉ còn nền móng cũ, chốn xưa giờ cây cối mọc lên um tùm, sắc mạng, câu đối, đồ thờ tế khí cũng thất lạc phần nhiều. Đền có cả hệ thống cột nanh và tường bao xung quanh xây bằng gạch trát vôi vữa Toàn bộ khu di tích hiện tại bao gồm nhà thờ Đồng Tộc và nhà thờ vị thần tổ của dòng họ Đồng là “Tán trị công thần, Anh vĩ tướng quân Đô chỉ huy sứ tả hữu kiểm vệ quân cẩm y, tước Phổ dương hầu Đồng Văn Năng” được xây liền kề và được phân bố trên một khuôn viên rộng, không gian thoáng đãng, hướng chính Nam, trước đây khu vực này cây cối rậm rạp, nay nằm giữa khu vực dân cư đông đúc trù phú, phía trước là lũy tre làng và ruộng lúa phì nhiêu, cách không xa là con sông Rào Cái uốn lượn quanh năm xanh mát.

Về phía Tây có đường nối Quốc lộ 1A từ xã Thạch Long - Vũng Áng đi qua sát với nhà thờ Đồng Văn Năng. Đi từ cổng vào về phía bên trái là nhà thờ Đồng Tộc được xây dựng từ năm 1914, kiến trúc kiểu nhà ngang, hướng chính Nam, trên một mặt bằng rộng có kích thước dài 13 m x rộng 8,90m, gồm phần sân phía trước rộng 8,90m x 5,30m.

Tiếp theo là nhà bái đường kích thước rộng 8.90 x sâu 2.70m, cao 2.75m, gồm ba gian 2 hồi xây tường bít đốc. Kích thước gian giữa 1,70m x 2,70m, hai gian bên kích thước bằng nhau: 3,60m x 2,70m. Ngăn cách giữa các gian là hệ thống cột trụ tường đỡ hệ thống xà ngang xà dọc và hệ thống mái đều đổ bê tông cốt thép. Nhà thờ chính 3 gian, hai hồi xây tường bít đốc. Ba gian có kích thước gần bằng nhau: gian giữa dài 5,00m x rộng 2,30m, hai gian bên có kích thước: dài 5,00m x rộng 2,20m, ngăn giữa các gian là dầm vượt và 3 hàng gồm 6 cột trụ tường đỡ lấy hệ thống dầm vượt và mái. Mặt trước trổ 3 cửa: cửa chính giữa cao 1,55m x rộng 1,70m, lắp cửa gỗ song tiện gồm 4 cánh; hai gian hồi phía đông và tây cửa hẹp hơn với kích thước cao 1,55m x rộng 1,50m. Toàn bộ nhà thờ được kết cấu bằng chất liệu xỉ vôi, vỏ sò trộn lẫn với mật mía, mái cũng đổ cùng chất liệu, đỉnh nóc trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, bốn góc mái vuốt đầu đao cong vút. Gian chính giữa nhà thờ chỗ trang trọng nhất là nơi thờ tự Thuỷ tổ Đồng Bồi, được ban thờ 3 cấp, cấp cao nhất thiết kế sâu về phía sau, trên đặt long ngai bài vị, hai bên đối xứng là hạc chầu, cọc sáp, hộp trản. phía trước có bức Đại tự chữ Hán gắn bằng mảnh sứ xanh, nội dung: “Hữu khai tất tiên”, hiểu là Người đầu tiên khai sinh ra dòng họ này. Hai bên ban thờ các chi phái cũng thiết kế 2 cấp, đều bài trí long ngai bài vị, lư hương cọc sáp. Phía trên ban thờ bên trái có bức đại tự chữ Hán ghép bằng mảnh sứ xanh ghi “Phục tự chiêu”, gian phải ghi “Mục thanh miếu”. Trên cột trụ chính giữa nhà thờ khắc câu đối chữ Hán, nội dung: Phiên âm: “Qua điệt hiến diên Hà Tĩnh bắc Thuỷ nguyên phái dẫn Hải thành đông”. Tạm dịch: “Con cháu vui mừng ở phía bắc tỉnh Hà (Hà Tĩnh) Cội nguồn bắt đầu từ phía đông thành Hải (Hải Dương)” Câu đối khắc trên hai cột trước: Phiên âm: “ Mộc bản thuỷ nguyên thiên thu hợp Phong tần nhã cát đức kỳ tâm” Tạm dịch: “ Nước có nguồn cây có gốc nghìn năm vẫn vậy Phong tần nhã cát” (tư cách mỗi người) cốt ở tâm” Câu đối khắc trên hai cột giữa: Phiên âm: “Nhập kỳ môn đắc kiến tông miếu Xuất do hộ nhược hữu dung thanh” Tạm dịch: “Vào đến cửa đã được thấy miếu mạo (thờ phụng linh thiêng) Ra khỏi ngõ ngỡ còn nhìn rõ dung nhan nghe được tiếng nói”. Đi từ ngoài vào, bên phải là nhà thờ vị thần tổ đời thứ 4 họ Đồng: Tán trị công thần, Anh vĩ tướng quân Đô chỉ huy sứ tả hữu kiểm vệ quân cẩm y, tước Phổ dương hầu Đồng Văn Năng. Nhà thờ Thần tổ Đồng Văn Năng nằm vị trí bên trái nhà thờ họ ( nhìn trong ra), có quy mô nhỏ gọn hơn, hướng chính Nam.

Năm 1982, con cháu họ Đồng xây dựng nhà thờ riêng trong khuôn viên nhà thờ dòng tộc và rước sắc phong, bài vị của vị Thần Tổ về thờ. Nhà thờ được xây dựng khá công phu, bài trí vừa đẹp vừa đậm hồn thiêng bởi nhân cách của một danh nhân! khi sống, hiến trọn đời cho Tổ quốc, khi chết hóa thành Thánh để giúp đỡ muôn dân vượt qua gian khó xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phía chính giữa nhà thờ là Ban thờ 3 cấp xây bằng gạch, vôi vữa. Ban thờ trên cùng bên trên đặt Ngai thờ ( đổ bằng xi măng) trang trí khá đẹp, trên Ngai thờ có hòm sắc, cọc nến và kiếm gỗ cổ sơn son thếp vàng. Cấp thứ 2, phía trên bày mâm chè, trản quả, cọc sáp và lô hương; Cấp thứ 3 bố trí thấp hơn và đăng đối 2 bên ban thờ chính, hai bên khắc câu đối chữ Hán: Phiên âm: “Tán trị Lê dân hàm hậu trạch Linh phù Đồng tộc hạ hồng ân”. Tạm dịch: “Công lớn giúp (Triều đình), dân đen đều thấm ân huệ dày nặng Phép thiêng giúp (con cháu họ Đồng), cả họ mừng được ơn lớn”

Phía trước, thiết kế hai cột đỡ lấy hệ thống mái hiên, trên cột ghi câu đối bằng chữ quốc ngữ: “Hội tụ đồng xanh hoà nhạc ngựa Đối lưu nước bạc sáng làn gươm” .;

Năm 2010, sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định công nhận xếp hạng là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh con cháu dòng họ tiếp tục tu bổ, tôn tạo và cho đến nay nhà thờ Đồng Văn Năng là một trong những Nhà thờ đẹp của vùng Biển Ngang Thạch Hà.

Di tích là nơi thờ tự Danh nhân lịch sử Đồng Văn Năng - Một võ quan có công lao với đất nước được triều đại nhà Lê vinh phong chức tước, các triều đại phong kiến ban sắc phong thần “Hộ nước yên dân” và nhân dân tôn làm Linh phù bản cảnh Thành Hoàng làng. Nhà thờ Đồng Văn Năng là điểm đến của con cháu hậu duệ và nhân dân trong vùng nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh; vừa là để góp phần giáo dục lớp lớp hậu duệ cháu con họ Đồng; giúp nhân dân địa phương về truyền thống yêu nước và cách mạng; học hành, khoa cử của nhân dân làng xã Long phúc xưa, Thạch Khê nay...

Một làng Long phúc từ hàng ngàn đời nay chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, mà ruộng lại xấu, bạc màu, bởi: “Trông lên động cát trắng phù sa Trông xuống dưới hói hà, Nước hàm thủy vào ra Cống hói trong cũng mặn Rọng hói ngoài cũng mặn” Nhưng đã từng phồn thịnh nhất xứ Nghệ, kể từ đầu thế kỷ thứ XIV và là một trong những làng quê đã từng: “ Đất đã nên đất: Thủy tụ long hồi Người lại nên người: Nam thanh nữ tú”.

Các hiện vật gốc lưu giữ tại di tích như gia phả, sắc phong, đặc biệt là hệ thống câu đối chữ Hán có từ năm 1914 là nguồn sử liệu quý giá nhằm lưu giữ mãi hình ảnh của một danh nhân từng có những công lao to lớn đối với quê hương, dân tộc./.

Biên tập: Trần Hậu Sơn

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin

(Thạch Khê, Hà Tĩnh)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,040
  • Tháng hiện tại30,056
  • Tổng lượt truy cập589,162
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây