Báo cáo Kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam

Thứ bảy - 05/03/2022 07:55 1.553 0
BLL Họ Đồng Việt Nam đăng lại toàn văn Báo cáo Kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 2015-2020.
Báo cáo Kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ 2015-2020 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ 2020-2025

CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỒNG VIỆT NAM

I- Một số kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020:
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu họ Đồng toàn quốc lần thứ nhất ngày 26/4/2015, trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho đời sống nhân dân đứng trước nhiều thử thách mới. Với tình hình chung đó cùng với sự cố gắng của từng thành viên, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách, bám sát nội dung, chương trình, kết nối vận động nhiều dòng họ, chi họ Đồng trong cả nước, từ vùng sâu, vùng xa, miền núi đến hải đảo, đến nay đã trải khắp được hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.
Theo kết luận của Trưởng ban liên lạc tại cuộc họp lần thứ nhất ngày 20/6/2015: “Đại hội Đại biểu họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất ngày 26/4/2015 là một thắng lợi cơ bản . Đại hội đã vạch ra 2 hướng lớn: Hướng về cội nguồn (tôn vinh tổ tiên) và đoàn kết trợ giúp hậu duệ (động viên con cháu)”. Kết nối dòng tộc cũng nhằm đích hướng về cội nguồn (tôn vinh tổ tiên), làm nền tảng để đoàn kết, trợ giúp hậu duệ (Đoàn kết –kết nối – phát triển). Cụ thể:
1. Ngày 26 tháng 4 năm 2015, tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội,Đại hội đại biểu toàn quốc Họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất (Nhiệm kỳ 2015-2020).
Đại hội đã đón gần 500 đại biểu gồm: Các ủy viên BCH lâm thời họ Đồng Việt Nam, những người họ Đồng Việt Nam tiêu biểu, thành đạt, các Doanh nhân họ Đồng và đại diện Hội đồng Gia tộc các nhánh họ Đồng trên toàn quốc.
Đại hội đã thông qua Báo cáo hoạt động và Phương hướng nhiệm vụ của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam trong nhiệm kỳ I (2015 – 2020) và Quy ước tổ chức và hoạt động của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam. Đại hội cũng đã tiến hành tiến cử, bầu cử Uỷ viên BLL họ Đồng Việt Nam nhiệm kỳ lần thứ nhất (2015 – 2020) với 33 Ủy viên BCH .
2. Ban hành chính thức Quy ước hoạt động của Ban liên lạc. Qua 5 năm hoạt động thực tiễn, Quy ước này vẫn phù hợp, đã được hoan nghênh và đã được tôn trọng.
3.Thành lập Câu lạc bộ doanh nhân họ Đồng Việt Nam. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở việc thành lập CLB lâm thời. Hiện tại mới thành lập được CLB doanh nhân họ Đồng TP.Hà Nội. Đây là chỗ dựa vững chắc về cơ sở vật chất cho các hoạt động Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam.
4. Tổ chức thành công 4 lần gặp mặt và giao lưu họ Đồng toàn quốc:
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất là: Thống nhất lấy ngày 1/3 Âm Lịch) hàng năm là gặp mặt toàn thể và cầu siêu cho những người đã mất, các anh hùng liệt sỹ của họ Đồng Việt Nam. Địa điểm tại một nơi tâm linh nào đó do Ban liên lạc lựa chọn. Cụ thể:
+ Lần thứ nhất:
Năm 2016 tại chùa Linh Thông, Đông Anh, Hà Nội, Ban liên lạc họ Đồng Viêt Nam tổ chức gặp mặt và giao lưu họ Đồng trên toàn quốc lần thứ nhất. Buổi lễ do Hòa thượng Thích Gia Quang, trụ trì đăng cai tài trợ tổ chức.Lần gặp mặt này có khoảng 1700 người tham dự.
+ Lần thứ hai:
Năm 2017, gặp mặt lần thứ hai  tại chùa Phúc Thắng, Nam Sách, Hải Dương với
gần 2.800 người. Nơi đây cũng là quê hương của Thánh tổ pháp loa Đồng Kiên Cương. Chùa này còn lưu giữ bức tượng cổ Pháp Loa, cùng ngôi tháp tổ cổ và bia đá cổ ghi công lao của Thánh tổ pháp loa có từ vài trăm năm nay. Chùa Phúc Thắng đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia và  thầy trụ trì chùa Phúc Thắng, đại đức Thích Giác Lãm đăng cai tổ chức.
 + Lần thứ ba:
Năm 2018, gặp mặt lần thứ 3 tại chùa Linh Xuân, Kiến Thụy, Hải Phòng do đại đức Thích Chân Thường, thế danh Đồng Xuân Tuấn, trụ trì chùa trực tiếp đăng cai và tài trợ toàn bộ chi phí cho cuộc gặp mặt, với hơn 3500 người tham gia.
+ Lần thứ tư:
Năm 2019, gặp mặt lần thứ tư tổ chức tại đền Trình Đục Khê, chùa Hương, Mỹ
Đức, Hà Nội, với hơn 4000 đại biểu đại diện cho 147/164 chi nhánh, chi tộc họ Đồng trên toàn quốc về dự lễ. Lần tổ chức này do Hội đồng gia tộc họ Đồng KV chùa Hương đăng cai.
+ Năm 2020, là lần gặp mặt thứ 5. Mặc dù, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam và họ Đồng thành phố Cần Thơ chuẩn bị công phu, chu đáo, song do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19, nên việc tổ chức này đã bị hoãn. Và năm này 2021 này, chúng ta cũng dự kiến tổ chức đại lễ tại địa điểm chùa Ông. Nhưng cũng vì tình hình dịch bệnh khó lường, cho nên Ban liên lạc chỉ tổ chức chương trình Hội nghị đại biểu họ Đồng Việt Nam mở rộng với khoảng 150 người. Đây là tình huống bất khả kháng.
Có thể nói, các lần gặp mặt càng về sau, quân số càng đông hơn, chất lượng tổ chức càng tốt hơn. Điều đó cũng chứng tỏ tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn, cùng ý nghĩa, nội dung sâu sắc. Nó thể hiện nhu cầu, tình cảm của bà con trong dòng tộc họ Đồng Việt Nam. Đó cũng là sự kết nối, gặp gỡ, chia sẻ tình cảm của những người con cùng dòng tộc – một nét đẹp văn hóa truyền thống nghĩa tình, không chỉ có ở họ Đồng ta, mà còn là nét đẹp cội nguồn truyền thống dân tộc Việt Nam, của con cháu vua Hùng.
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam vô cùng cảm kích và xin chân thành cảm ơn Hòa thượng Thích Gia Quang, Đại đức Thích Giác Lãm và Đại đức Thích Chân Thường, Đại đức Thích Minh Hậu, họ Đồng KV chùa Hương, họ Đồng Khu vực Cần Thơ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp mặt họ Đồng thành công tốt đẹp....
5.Về công tác tri ân:
- Bắt đầu từ năm 2017, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tiến hành tổ chức chương trình tri ân các anh hùng thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng là con em họ Đồng, cụ thể:
+ Năm 2017:
-Trao quà cho nhánh Cảnh Dương, Quảng Bình: 40 suất. Mỗi suất 300.000 đồng; Nhánh xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, Thanh Hóa trao 27 suất; Nhánh xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu trao 11 suất; Nhánh Bình Định, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh 15 suất ; Nhánh xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh trao cho 11 suất; Nhánh Trực Khang, Trực Ninh, Nam Định: 18  suất. Riêng cá nhân ông  Đồng Văn Bột, Phó BLL đã  trao tặng thêm cho 18 suất quà. Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng tiền mặt. Tổng trị giá là 23.400.000 đồng; Nhánh Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình: 10 suất.; Nhánh Nam Gián, Cổ Thành, P. Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương: 3 suất; Nhánh thôn Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương: 40 suất; Các nhánh họ Đồng toàn TP. Hải Phòng: 74 suất. Tổng số tiền tri ân năm 2017 là: 97.700.000 đồng
+ Năm 2018:
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tri ân cho họ Đồng gồm: Họ Đồng Sĩ ở Làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, Phú Vang: 4 suất; Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế: 18 suất; Đà Nẵng 2 suất;  thôn Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn 38 suất; tại 3 xã: Tiên Cảnh, Tiên Ngọc, Tiên Mỹ thuộc huyện Tiên Phước 5 suất; thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn 18 suất; xã Định Thiện Tây, huyện Tuy Phước, Bình Định: 2 suất; Cát Hải, Cát Tiến,huyện Phù Cát : 5 suất. Tổng 92 suất với tổng số tiền là 46.000.000 đồng.
+Năm 2019:
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tri ân cho họ Đồng toàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang: 135 suất; Huyện Yên Thế 08 suất; Huyện Tân Yên 18 suất quà.. Tổng số năm 2019 là 161 suất. Mỗi suất trị giá là 500.000 ngàn đồng. Tổng số tiền tri ân là 80.500.000 triệu đồng.
+ Năm 2020:
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tri ân cho 222 hộ gia đình là thân nhân liệt sĩ; thương, bệnh binh người họ Đồng tại 5 địa bàn thuộc các huyện Tứ Kỳ, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, Thanh Hà và huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Tổng số tiền là: 111.000.000 đồng.
6.Về công tác xã hội, từ thiện:
- Ngày 26/10/2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã đến thăm và trao 80 triệu đồng cho bà con họ Đồng dân tộc Thái  bị lũ quét ở Yên Bái. Bao gồm: 27 hộ gia đình xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu và 33 hộ tại bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Mỗi suất 1 triệu đồng.
Riêng gia đình nạn nhân Đồng Thi Sơ bị lũ cuốn trôi 5 người: 8 triệu đồng; 4 gia đình bị trôi mất nhà cửa mỗi gia đình: 4 triệu đồng;  2 gia đình có nguy cơ sập mỗi gia đình 2 triệu đồng. Ngoài ra, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam còn trao tặng một số quần áo cho các thành viên họ Đồng vận động đóng góp. Đặc biệt, nhánh tộc họ Đồng khu vực Chùa Hương, ngoài số tiền mặt 7 triệu đồng ra, còn trao tặng cho bà con 2 bản 230 kg gạo và 100 gói bột canh...
-Năm 2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã phối hợp cùng với CLB Doanh nghiệp họ Đồng Hà Nội; BLL họ Đồng TP.HCM vận động xây dựng vườn tháp Pháp Loa Đồng Kiên Cương tại chùa Phúc Thắng, TP. Hải Dương với tổng số tiền là: 250.000.000 đồng.
- Ngày 18/8/2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã phối hợp với Ban liên lạc họ Đồng huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức xây dựng và bàn giao ngôi nhà tình thương cho gia đình ông Đồng Trinh Đây, thôn Tuyêt Diêm 2, xã Bình Thuận,huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tiền kinh phí xây dựng do Đại tá, GS.TS Đồng Xuân Thọ (Bộ Công an) , Phó Trưởng ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tài trợ với số tiền 60 triệu đồng.
-Tháng 6/2019, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã vận động được 44.500.000 đồng để trao quà cho gia đình họ Đồng gặp khó khăn ở Nga Sơn,Thanh Hoá có con gái là Đồng Thị Hường mất ở Nhật Bản.
-Tháng 11/2020, Ban liên lạc họ Đồng đã vận động, kêu gọi bà con, doanh nhân là người họ Đồng chung tay góp sức "nhường cơm sẻ áo" ủng hộ bà con họ Đồng vùng lũ với tổng số tiền hơn 180.000.000 đồng để trao tận tay bà con họ Đồng ở 2 huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
- Ngày 12-3, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tổ chức lễ vinh danh Bảng vàng Đồng tộc cho em Đồng Ngọc Hà vì đã có thành tích xuất sắc trong kỳ thi Olympic quốc tế năm 2020. Em Đồng Ngọc Hà (thuộc nhánh họ Đồng xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, Nam Định), là học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đoạt giải Nhất môn Sinh học trong kì thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019 – 2020.
Đặc biệt, năm 2020, em Đồng Ngọc Hà đã giành huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế. Em đã được Chủ tịch nước trao tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen. Đây là niềm tự hào không chỉ cho đất nước, mà cho gia đình và cả dòng tộc họ Đồng Việt Nam.
Nhằm ghi nhận và biểu dương kịp thời động viên những nỗ lực cố gắng của em Đồng Ngọc Hà, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã quyết định trao tặng và vinh danh "Bảng vàng Đồng tộc" và phần thưởng 10 triệu đồng cho em Đồng Ngọc Hà. Đây cũng là lần đầu tiên người con họ Đồng giành được thành tích cao trong đấu trường quốc tế và được Họ Đồng Việt Nam vinh danh bảng vàng.
- Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam ghi nhân và biểu dương những hoạt động có hiệu quả của Ban liên lạc họ Đồng TP.Hải Phòng, Ban liên lạc họ Đồng Nghệ Tĩnh. Cả 2 Ban liên lạc này thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, công tác an sinh xã hội rất thiết thực. Kịp thời tôn vinh những tấm gương họ Đồng tiêu biểu.
7. Về công tác kết nối họ Đồng:
Việc kết nối dòng họ trong suốt 5 năm qua tương đối tích cực. Tuy nhiên, nhiều huyện, thị và xã có người họ Đồng sinh sống thì tỉ lệ còn thấp. Một số tỉnh, thành phố có Ban liên lạc họ Đồng từ 5 năm nay ,nhưng số huyện, thị có hoạt động của cộng đồng phát triển chậm. Trái lại, một số Ban liên lạc họ Đồng cấp tỉnh, thành hoạt động tương đối hiêu quả như: Ban liên lạc họ Đồng TP. Hải Phòng; Ban liên lạc họ Đồng TP.HCM; Ban liên lạc họ Đồng TP. Chí Linh, Ban liên lạc họ Đồng Cảnh Dương (Quảng Bình); Bình Sơn (Quảng Ngãi); Ngân Sơn (Bắc Kạn); Phong Điền ( Cần Thơ)... Đặc biệt là Ban liên lạc họ Đồng Nghệ Tĩnh, dù mới thành lập nhưng hoạt động rất hiệu quả, nhiều chương trình hoạt động đi vào thực chất, không hình thức, được đông đảo bà con họ Đồng Nghệ Tĩnh đồng tình ủng hộ. Nhìn chung, Ban liên lạc họ Đồng ở mỗi tỉnh, thành phố lại có nét sáng tạo riêng mà nơi khác cần rút kinh nghiệm.
Có thể nói rằng, từ khi hình thành các Ban liên lạc họ Đồng từ Trung ương đến địa phương, thì ngoài việc Hội đồng gia tộc, trưởng tộc thường xuyên chăm lo, nay cứ đến ngày giỗ tổ, con cháu các nơi quy tụ được hàng trăm người, tình đoàn kết gắn bó càng thêm đằm thắm.
Có nơi trước đây từng chi làm giỗ chạp riêng như ở Bắk Kạn; Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định; Hà Tĩnh... nhưng chỉ sau một thời gian tham gia vào cộng đồng đã quy tụ được cả nhiều chi họ, đóng góp vào việc chỉnh trang các nhà thờ của cả họ và của mỗi chi, họp nhau xây dựng lược sử họ Đồng. Những tình hình tương tự diễn ra ở bất cứ nơi nào đã có sự vận động của cộng đồng khiến hàng trăm nhà thờ họ và mộ tổ được tu bổ, nhiều bản gia phả chi họ được dịch, biên soạn và công bố đều là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính, cung tiến để tôn vinh tổ tiên, gắn kết trong họ tộc, cả trong hàng dâu rể mà nhiều nơi con dâu trưởng có vai trò nòng cốt.
- Một số hoạt động kết nối dòng họ cụ thể:
+ Năm 2017:
 -Từ ngày 4/8/2017 đến ngày 8/8/2017, Ban Liên Lạc họ Đồng Việt Nam phối hợp cùng Ban liên lạc họ Đồng TP. HCM thực hiện chương trình: "Hành trình kết nối họ Đồng đồng bằng sông Cửu Long". Cụ thể nơi Đoàn đã đến gặp gỡ và giao lưu họ Đồng TP.HCM. Đến dâng hương, tưởng niệm khu mộ Trung Tướng Đồng Văn Cống,nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Nghĩa trang Liệt sĩ và Khu lưu niệm Giồng Trôm tỉnh Bến Tre.
-Đoàn đã đến thăm và giao lưu với họ Đồng thuộc nhánh xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã đến tham dự. Đoàn cũng đã đến thắp hương khu mộ họ Đồng và thăm hỏi bà con họ Đồng huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; Giao lưu và kết nối với nhánh họ Đồng xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân (huyện Bình Minh cũ), tỉnh Vĩnh Long. Đặc biệt, Đoàn đã đến Trà Vinh và đã được ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh và anh chị em, dâu, rể họ Đồng Trà Vinh tiếp đón nồng nhiệt.
- Đoàn đã đến thăm và giao họ Đồng ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ. Đến thăm gia đình anh Đồng Thanh Út, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu. Đến thăm nhánh họ Đồng ở xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
+ Năm 2018:
- Ngày 14/4/2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tham dự Đại hội đại biểu họ Đồng Hải Phòng lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2018-2023).
- Từ ngày 19 tháng 7 năm 2018 đến ngày 24 tháng 7 năm 2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tổ chức chương trình: “Hành trình kết nối họ Đồng miền Trung - Tây Nguyên”
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã đến thăm, gặp gỡ các nhánh họ Đồng gồm: Họ Đồng Sĩ ở Làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, Phú Vang; họ Đồng ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế: Gặp mặt giao lưu BLL lâm thờ họ Đồng TP. Nẵng ; họ Đồng thôn Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn ; họ Đồng ở Tiên Cảnh, Tiên Ngọc, Tiên Mỹ thuộc huyện Tiên Phước ; họ Đồng ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn; họ Đồng ở xã Định Thiện Tây, huyện Tuy Phước, Bình Định: họ Đồng ở Cát Hải, Cát Tiến,huyện Phù Cát ;họ Đồng ở tỉnh Gia Lai ; Kon Tum; Đắk Nông; Đắk Lắk ...
+ Năm 2019:
-Ngày 23.1.2019, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tổ chức đoàn lên thăm và thắp hương tại chùa Tà Lùng, Cao Bằng. Đây là ngôi chùa do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xây dựng và trụ trì.
- Ngày 14/04 /2019, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tới dự lễ ra mắt Ban liên lạc lâm thời họ Đồng tỉnh Thanh Hoá  tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
- Ngày 15.9.2019, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tổ chức đoàn tham dự Đại hội đại biểu Họ Đồng Nghệ Tĩnh lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2019 - 2024) tại Khách sạn Duy Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
-Ngày 24/11/2019, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tổ chức đoàn tham dự Đại hội đại biểu họ Đồng TP. Chí Linh lần thứ nhất tại Trường Đại học Sao Đỏ, TP. Chí Linh, Hải Dương.
-Ngày 07/12/2019 , Đoàn Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã vào làm việc với Thiền viện Trúc lâm Phương Nam và Họ Đồng huyện Phong Điền, TP Cần Thơ về công tác chuẩn bị Chương trình Họ Lễ cầu siêu và gặp mặt toàn quốc lần thứ 5 - 2020 tại TP. Cần Thơ.
8. Biên soạn sách; làm phim, trang web, sáng tác ca khúc về họ Đồng:
+Về trang thông tin điện tử họ Đồng:
- Ngày 02/5/2015, ra rắt trang thông tin điện tử của Họ Đồng Việt Nam www.hodong.vn . Đây là cổng thông tin chính thức, là tiếng nói của dòng họ để thông tin, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường đoàn kếttương trợ nhau trong cuộc sống và phổ biến những thành tựu đạt được đến đồng tộc trong nước và ngoài nước.
Trong suốt 5 năm qua, Ban biên tập trang điện tử họ Đồng đã tổng hợp, đưa tin, bài về hoạt động của họ Đồng trên toàn quốc trên một số phương tiện thông tin đại chúng ơcủa Trung ương, địa phương và trang Website của họ Đồng. Kịp thời đưa tin, bài, ảnh…về hoạt động của họ Đồng Việt Nam, họ Đồng các tỉnh thành phố. Ban biên tập đã tích cực viết các bài về tiểu sử, sự nghiệp của Thánh tổ Pháp loa Đồng Kiên Cương, các di tích danh lam thắng cảnh có liên quan tới họ Đồng; thông tin kịp thời hoạt động, các điển hình cá nhân tiêu biểu trong lao động, học tập, các cháu giành giải tại các kỳ thi quốc tế của dòng họ Đồng trên trang thông tin điện tử họ Đồng và trang Facebook của họ Đồng Việt Nam.
-Phối hợp với Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam thiết lập trang điện tử Họ Đồng Chí Linh www.hodongchilinh.vn . Đây là trang điện tử đầu tiên của họ Đồng các tỉnh thành và cũng là trang thông tin hoạt động khá hiệu quả.
+ Về biên soạn và xuất bản sách họ Đồng:
- Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản cuốn sách "Họ Đồng Việt Nam - Tập I " . Cuốn sách đã chính thức cho ra mắt bạn đọc vào ngày 31/3/2016. Đây cũng là một trong những nội dung cơ bản, góp phần quan trọng quy tụ dòng tộc trong cả nước và nước ngoài..
Cuốn sách được chia thành 6 chương: Chương I: Đại hội Họ Đồng Việt Nam lần thứ Nhất; Chương II: Khái quát về Họ Đồng Việt Nam; Chương III: Các nhân vật lịch sử và khoa bảng Họ Đồng Việt Nam; Chương IV: Khái lược Họ Đồng Việt Nam một số tỉnh,thành phố; Chương V: Gương sáng sự nghiệp; Chương VI: Phụ lục. Cuốn sách dày hơn 500 trang, được thiết kế công phu, trình bày khá đẹp mắt, ấn tượng, được in ấn trên chất liệu giấy tốt.
Mục đích của cuốn sách nhằm thực hiện sự khát vọng hướng về cội nguồn, biểu thị lòng biết ơn với tổ tiên như một cách kết tinh của người dân đất Việt. Dù họ Đồng từ đâu đến, đã và đang sinh sống từ ngàn đời nay trên khắp mọi miền đất nước đều là anh em một nhà, là họ Đồng Việt Nam, trong cộng đồng các dòng họ Việt Nam, với trách nhiệm tiếp tục giáo dục, khơi dậy, khích lệ niềm tự hào cho lớp lớp thế hệ con cháu họ Đồng hôm nay và mai sau nguyện luôn đoàn kết, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của dòng tộc. Động viên con cháu khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn, không ngừng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vững bền, quê hương đất nước giàu mạnh trường tồn, để không phụ lòng và hổ thẹn với tổ tiên dòng tộc họ Đồng Việt Nam.
Ban Biên tập cuốn sách là những người con rất tâm huyết với dòng họ, đã dày công tìm hiểu và thu thập bằng nhiều hình thức, đồng thời có sự đóng góp tích cực của các chi họ Đồng toàn quốc để có được những thông tin quý giá như trong cuốn sách này.
- Phối hợp với Ban liên lạc họ Đồng thành phố Hải Phòng biên soạn và xuất bản cuốn sách "Họ Đồng Hải Phòng" . Sách ra mắt vào đúng dịp Đại hội đại biểu họ Đồng TP.Hải Phòng lần thứ nhất (2018-2022) ngày 14.04.2018.
- Phối hợp với Ban liên lạc họ Đồng thành phố Chí Linh biên soạn và xuất bản cuốn sách " Họ Đồng với vùng đất Chí Linh". Cuốn sách ra mắt đúng dịp tổ chức Đại hội đại biểu họ Đồng thành phố Chí Linh lần thứ nhất nhiệm kỳ (2019 - 2024), tháng 11/2019.
+ Về sáng tác ca khúc về họ Đồng:
- Ngày 27/5/2016, Ban liên lạc họ Đồng Viêt Nam đã mời nhạc sĩ Lưu Ba sáng tác bài hát " Bài ca họ Đồng Việt Nam". Mời Lê Xuân Hảo,- Một ca sĩ với phong cách trữ tình, lãng mạn với chất giọng trầm ấm, truyền cảm của giải Nhất Sao Mai 2009 dòng nhạc thính phòng và Ca sỹ Mai Chi,Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thể hiện.
- Ngày 7/4/2019, Bài hát "Khúc hòa ca họ Đồng "được Nghệ sĩ ưu tú Đồng Văn Minh sáng tác và chính thức ra mắt vào buổi gặp mặt và giao lưu họ Đồng toàn quốc lần thứ 4 - 2019 tại Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Cả 2 ca khúc này 2 đời là niềm mong mỏi của đông đảo bà con họ Đồng bao năm qua muốn có một số ca khúc truyền thống về dòng họ để mỗi khi gặp gỡ cùng nghe, hát và cảm nhận được mối liên hệ Đồng tộc, cảm nhận được những truyền thống tốt đẹp và giá trị nhân văn sâu sắc của dòng họ mà các vị tiên tổ đã chắt chiu truyền lại.
- Ngày 10/11/2019, GS.TS.Đại tá công an Đồng Xuân Thọ - Người con ưutú của họ Đồng xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, hiện là Phó trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã sáng tác bài hát "Họ Đồng Nghệ Tĩnh - Bản hùng ca" đã gây xúc động mạnh đối với bà con trong dòng tộc họ Đồng Nghệ Tĩnh nói riêng và họ Đồng Việt Nam nói chung.
-Năm 2019, Nhạc sĩ Đồng Dương Chiều, quê ở Hải Phòng, hiện đang sinh sống tại TP.HCM cũng sáng tác bài hát “ Họ Đồng mến yêu”
+ Về phim tư liệu họ Đồng Việt Nam:
- Năm 2017, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã chỉ đạo sản xuất và cho ra mắt bộ phim tư liệu về "Tự hào dòng tộc Họ Đồng Việt Nam". Thông qua bộ phim tài liệu quý này, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam mong muốn các thế họ Đồng Việt Nam biết rõ hơn về nguồn cội của mình sinh ra.

+Một số hoạt động khác:
– Thường xuyên quan tâm việc tuyên truyền tới những người họ Đồng nhằm mục đích mở rộng liên hệ, kết nối sâu rộng tới các chi phái dòng họ Đồng, thu hút  tham gia ngày càng nhiều, tăng cả về số lượng và chất lượng.
– Hàng năm, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam thường xuyên tổ chức Đoàn đi dự lễ giỗ tổ tiên, lễ khởi công, khánh thành nhà thờ, từ đường của các nhánh, chi tộc họ Đồng các tỉnh thành
– Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của Ban liên lạc họ Đồng các tỉnh ,thành phố. Thường xuyên cử đại diện Ban liên lạc đi dự các sự kiện do Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam và Ban liên lạc họ Đồng các tỉnh, thành tổ chức.
- Hàng năm, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu nhân ngày truyền thống: Quân đội , Công an, nhà giáo, báo chí, doanh nhân, tổ chức Ga la - Party Đồng gia hội tụ cuối năm...
- Để có được những kết quả nêu trên, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam xin ghi nhận và trân trọng những đóng góp tích cực vào các hoạt động của họ Đồng Việt Nam các tinh thần và vật chất như: Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng -Trưởng ban liên lạc họ Đồng Việt Nam; Các Phó trưởng ban liên lạc: PGS.TS.Trung tướng Đồng Đại Lộc; GS.TS.Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng; Thiếu tướng Đồng Văn Sơn; ông Đồng Minh Sơn, GS.TS.Đại tá Đồng Xuân Thọ; TS. Đồng Xuân Thành; TS .Đồng Xuân Thụ; ông Đồng Xuân Lợi; Ông Văn Ích ; bà Đồng Thị Hồng Hoàn; Đại tá Đồng Xuân Cần; ông Đồng Việt Hải (Cần Thơ);  Câu là bộ doanh nhân họ Đồng Hà Nội như : Doanh nhân Đồng Quang Hải; Đồng Quang Thành, Đồng Quang Chính; Đồng Xuân Thọ; Đồng Hữu Toản; Đồng Văn Quân, Đồng Văn Hướng.  Đặc biệt, Ban liên lạc trân cảm ơn những tình cảm, đóng góp tài chính và rất tích cực trong công tác hoạt động của họ Đồng đối với doanh nhân Đồng Văn Bột, Phó trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam.
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam cũng chân thành cảm ơn Đại đức Thích Chân Thường (Đồng Xuân Tuấn), Trụ trì chùa Linh Xuân, Hải Phòng; Đại đức Thích Minh Hậu (Đồng Minh Phúc)- Trụ trì chùa Ông, Văn Lâm, Hưng Yên; Đại đức Thích Giác Lãm, Trụ trì chùa Phúc Thắng (Hải Dương); Nhạc sĩ Lưu Ba, Nghệ sĩ ưu tú Đồng Văn Minh...

9. Một số hạn chế:
-Các thành viên trong Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đa số hiện đang công tác hoặc đảm nhiệm các trọng trách khác nhau nên thời gian giành cho việc Họ và tham gia các hoạt động của Họ chưa được nhiều.
- Việc tổng hợp về các hoạt động của Họ ở các địa phương trong tỉnh để thông tin, báo cáo còn khó khăn, chưa kịp thời. Việc phát triển Ban liên lạc họ Đồng ở cấp huyện , xã còn khó khăn.
- Khó khăn lớn nhất, hiện nay vẫn là nguồn quỹ của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam. Nguồn thu duy nhất phụ thuộc vào dịp gặp mặt và giao lưu họ Đồng toàn quốc. Trong khi 2 năm qua, do dịch bệnh, không tổ chức được, nên cũng không có nguồn thu. Mọi chi tiêu cũng như tiền tri ân, từ thiện đều vận động các anh em doanh nhân , mạnh thường quân họ Đồng. Do vậy, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp từ các mạnh thường quân để Ban liên lạc có điều kiện triển khai các công việc của dòng họ.
-Chưa thành lập được Câu lạc bộ Doanh nhân họ Đồng Việt Nam
10.  Một số bài học kinh nghiệm:
-Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã đi đúng hướng, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nét nổi bật là tính văn hóa của hoạt động dòng họ, đúng tinh thần khẩu hiệu của Đại hội " Kết nối - Đoàn kết -Phát triển". Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã cố gắng làm mọi việc tốt để người già trong dòng tộc yên lòng, anh chị em tin cậy, lớp trẻ không hổ thẹn với bạn bè gần xa.
-Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam hoạt động theo đúng Quy ước, là ” Tổ chức xã hội dòng họ, văn hóa mang tính tự nguyện”, mọi hoạt động của Ban liên lạc công khai, minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, cũng hết sức cẩn trọng, giữ gìn trong một nếp văn hóa có nét riêng của dòng họ Đồng.
- Họ Đồng Việt Nam chúng ta tuy có số lượng người ít, nhưng có đặc điểm là trí tuệ, tài năng, có văn hóa ,luôn bảo vệ chân lý, không xu nịnh, không cơ hội. Điều quan trọng hàng đầu là giữ vững động cơ “vì dòng họ” mà ứng xử mọi tình huống. Tuyệt đối không vì danh, vì lợi mà nẩy sinh định kiến.
-Mọi hoạt động của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam là hoàn toàn tự nguyện. Cá nhân hoặc tổ chức nào tự giác đặt mình trong guồng máy chung, hoạt động theo ý chí của tập thể thì dòng họ đều giang tay đón nhận, nhưng dòng họ cũng không săn đón, cầu cạnh bất cứ ai, dù người đó có tài sản, trí tuệ, quyền cao, chức trọng.
-Nhìn chung, trong hoạt động của dòng họ Đồng Việt Nam, mỗi thành viên đều có sự tự tin, tự hào chính đáng nhưng phải giữ nó trong sự khiêm tốn, chân thành. Có chính kiến rõ ràng nhưng phải lắng nghe ý nguyện của tập thể.
-Ban liên lạc họ Đồng các tỉnh thành, các huyện, thị , xã có cơ chế hoạt động mở, không khuôn cứng, chỉ thống nhất về mục tiêu, phương châm nhưng hoàn toàn chủ động sáng tạo về giải pháp. Do phạm vi hoạt động khác nhau, cần có sự “phân cấp, quản lý”, có cái chỉ làm được ở cơ sở và trên cơ sở mà không dễ làm được ở cấp Ban liên lạc toàn quốc (như lập quỹ khuyến học, thu hút lớp trẻ, thăm hỏi mừng thọ người già, thu hội phí), lại có cái chỉ cấp toàn quốc mới làm được như nghiên cứu về lịch sử dòng học; tổ chức Lễ cầu siêu, gặp mặt họ Đồng toàn quốc; gặp mặt truyền thống các ngày Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Báo chí, doanh nhân...
-Đối với tất cả mọi con người, hoạt động dòng họ mang tính chuyên nghiệp thường là hoạt động cuối đời, xếp sau cả quá trình “tu thân, tề gia, trị quốc”. Cũng không phải là một quá trình “thẳng tiến” mà có mạnh, có yếu, có được, có mất. Phải xem đó là tiến trình hợp quy luật, không vì thế mà ngại ngùng, chán nản. Bất cứ ai, phải thường xuyên bắt tay vào công việc, giải quyết những vướng mắc, mới từng bước nhận ra nét đặc thù của hoạt động dòng họ để tự điều chỉnh mình cho phù hợp. Do đó, hoạt động dòng họ càng lâu càng quý, không câu nệ trai, gái, trẻ, già…
11.Về tình hình tài chính của Ban liên lạc:
a. Các nguồn thu Quỹ của Ban liên lạc nhiệm kỳ 2015-2020 gồm:
Gặp mặt họ Đồng toàn quốc được tổ chức hàng năm; Tiền tài trợ, hỗ trợ…của các doanh nhân và mạnh thường quân, cụ thể:
+ Năm 2016 và 2017 : 629.119.000 đồng
+Năm 2018 :                 619.650.000 đồng
+Năm 2019 :            398.320.000 đồng
+Năm 2020 :             219.450.000 đồng
- Tổng thu cả nhiệm kỳ 2015-2020 : 1.866.539.000 đồng
b. Các khoản chi nhiệm kỳ 2015-2020 gồm :
Chi tiền trao quà tri ân các anh hùng liệt sĩ họ Đồng hàng năm; Chi ủng hộ bà con họ Đồng bị bão lụt; Công đức xây dựng nhà bia chùa Phúc Thắng; Chi tiền phục vụ đại lễ; in sách , quà tặng, làm đĩa phim họ Đồng…
+ Năm 2016-2017 : 626.869.000 đồng
+ Năm 2018 : 583.525.000 đồng
+Năm 2019 : 408.014.000 đồng
+Năm 2020 : 248.200.000 đồng
-Tổng chi của cả nhiệm kỳ 2015-2020 : 1.866.598.000 đồng
Tổng thu 1.866.539.000 đồng –  Tổng chi : 1.866.598.000 đồng =59.000 đồng
Ghi chú: Tất cả các hoạt đồng và các lần họp mặt trong Ban liên lạc, ngày truyền thống Quân đội, Công an, báo chí, doanh nhân…đều các do các thành viên Ban liên lạc đóng góp chi phí, chủ yếu vẫn là do doanh nhân Đồng Văn Bột tài trợ.
II. Phương hướng hoạt động Ban liên lạc họ Đồng VN nhiệm kỳ 2020 – 2025
1- Nắm vững mục tiêu là kết nối dòng tộc, tìm về cội nguồn tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, hướng tới tương lai, trên tinh thần khẩu hiệu: “ Kết nối -Đoàn kết – Phát triển”, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là nhiệm kỳ thứ hai, nhiệm kỳ của củng cố các hoạt động của họ Đồng đi vào chiều sâu.
2.Thúc đẩy, động viên những nơi có nhiều người họ Đồng sinh sống tiến hành Đại hội đại biểu họ Đồng cấp tỉnh,thành như:  Họ Đồng tỉnh Hải Dương; Họ Đồng tỉnh Hưng Yên; Họ Đồng tỉnh Thái Bình; Họ Đồng tỉnh Bắc Giang, Họ Đồng tỉnh Nam Định; Họ Đồng tỉnh Thanh Hoá... Đặc biệt là thành lập Ban liên lạc họ Đồng Khu vực như: Khu vực miền Trung – Tây Nguyên ; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Ban liên lạc họ Đồng KV miền Đông Nam Bộ… với nội dung này, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đặt mục tiêu đầu nhiệm kỳ II này phải cố gắng hoàn thành.
3.Tiếp tục động viên, khích lệ các nhánh tộc, chi tộc chưa viết được gia phả, thì xúc tiến việc biên soạn theo phương châm “cần sưu tầm đủ tư liệu, bảo đảm tính chính xác, chân thực, không cầu toàn về văn phong, kết cấu”. Chú ý bổ sung đủ tên tuổi công trạng cả các phu nhân, các chị em gái, không “trọng nam khinh nữ”. Quy tụ tất cả các bậc cao niên có hiểu biết về tổ tiên, thành tổ chức đóng góp cho việc viết, dịch, cắt nghĩa đúng gia phả của chi họ. Những nơi đã có gia phả thì tiến lên biên soạn lịch sử của dòng họ, chú ý nơi xuất xứ, mối liên hệ với các chi phái khác, ghi lại và dịch rõ các bài vị, câu đối, sắc phong, thực hiện khẩu hiệu “dòng họ có gì là gia bảo thì con cháu đều biết và hiểu rõ”.
4. Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, có kết luận đúng đắn cội nguồn của họ Đồng Việt Nam về các tổ tiên, xóa bỏ những nhận thức mơ hồ, lẫn lộn về nguồn gốc, tiến tới khẳng định và truyền bá rành rọt cho tất cả dòng tộc họ Đồng Việt Nam biết rõ: “Họ Đồng Việt Nam là một họ bản địa, thuộc dòng Lạc Việt, đã phát triển từ thời các vua Hùng”, không chấp nhận những luận điểm thiếu căn cứ, mâu thuẫn với các ngọc phả, thần phả, với dân tộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học và các môn học có liên quan. Từ nguồn gốc đúng đắn của tổ tiên mà củng cố nền văn hóa, nhân nghĩa thuần hậu của dòng họ, nhắc nhở nhau ứng xử cho xứng đáng.
5.Đầu nhiệm kỳ 2020 -2025, cố gắng biên soạn và xuất bản cuốn sách: Họ Đồng Việt Nam tập 2 (tái bản và bổ sung).
6.Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam sẽ phối hợp một số Ban liên lạc tỉnh thành, nhánh họ, hoặc những mạnh thường quân họ Đồng nghiên cứu chọn một nơi tiện đường đi lại, tiến tới phương án xây dựng một nhà thờ tổ tiên của dòng họ Đồng Việt Nam, có người trông nom chu đáo, có đặt bát hương thờ vọng các bậc viễn tổ  họ Đồng của 3 miền (Bắc , Trung , Nam), bảo đảm tính tâm linh cho thành viên trong dòng tộc. Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam hoan nghênh những sáng kiến ,sự đóng góp, cúng tiến của các mạnh thường quân cả vật chất và tinh thần.
7.Khuyến khích các nhánh, chi họ lập quỹ khuyến học, các huyện, tỉnh, thànhphố có quỹ khuyến tài, tiến hành khen thưởng kịp thời hàng năm cho lớp trẻ.
8.Dù trong Hội nghị này, một Ban liên lạc mới đã được kiện toàn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, xét thấy cần thiết, tiếp tục lựa chọn, bổ sung những người có điều kiện về thời gian, sức khoẻ, có uy tín trong dòng họ vào Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam.
9.Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam tiếp tục thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu nhân ngày truyền thống: Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân, Ngày nhà giáo Việt Nam, báo chí, doanh nhân, tổ chức Ga la - Party Đồng gia hội tụ cuối năm...
10. Hàng năm, vào dịp 3/3 âm lịch, tiếp tục tổ chức Gặp mặt ,giao lưu, cầu phúc, cầu an cho họ Đồng Việt Nam và tưởng niệm ngày thánh Tổ Pháp loa Đồng Kiên Cương nhập niếp bàn. (Nếu như tình hình dịch bệnh Covid đã được khống chế).
11. Hàng năm, cần tổ chức tôn vinh khen thưởng các cá nhân có thành tich trong học tập, trong sản xuất, làm kinh tế, trong đóng góp thiết thực xây dựng dòng họ Đồng Việt Nam.
12. Tiếp tục kêu gọi sự hảo tâm của các tập thể và cá nhân ủng hộ cho Quỹ của dòng họ để có kinh phí chi cho các hoạt động và thực hiện các việc của Họ. Thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng quỹ Họ theo quy định. Mục đích quỹ họ chỉ sử dụng vào các hoạt động chung mang tính thiện nguyện, xã hội là chính.
13.Hoạt động dòng họ mang tính đặc thù vẫn là lĩnh vực mới mẻ đối với mỗi thành viên chúng ta, 5 năm qua, do tấm lòng thành và tâm lý hướng theo lẽ phải của người họ Đồng mà chúng ta đạt được bước phát triển đáng tự hào. Nhưng những sự ấu trĩ ,nhược điểm luôn nảy sinh và còn không ít trở lực trong một xã hội theo cơ chế thị trường mà chưa hết khủng hoảng.
Chỉ với động cơ trong sáng vì Đồng tộc, vì tổ tiên và thế hệ tương lai, hoạt động dòng họ Đồng như rết nhiều chân sẽ tiếp tục phát triển. Mục tiêu và phương châm của chúng ta đã được thể nghiệm là đúng đắn, chỉ cần một quyết tâm cao và những nỗ lực lớn, họ Đồng Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ giữ được niềm tự hào cho mỗi thành viên hôm nay và chothế hệ mai sau.
Trên đây là Báo cáo về những hoạt động của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam trong nhiệm kỳ 2015-2021 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020-2025. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, trong tương lai sự nghiệp kết nối tộc tính cùng các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống vẻ vang của họ Đồng ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia, ủng hộ của đông đảo bà con, anh em gần xa ở cả trong nước và ngoài nước, theo tinh thần:  “Huyết mạch họ hàng nối dài theo đất nước; Vinh quang dòng họ truyền mãi với thời gian”.

 Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2021

TM Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam

                                                                                                                                Trưởng ban

GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,667
  • Tháng hiện tại16,594
  • Tổng lượt truy cập615,219
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây