Địa danh Chí Linh trong lịch sử dân tộc

Thứ bảy - 22/03/2025 09:27 54 0
Bản đồ hành chính thành phố Chí Linh
Bản đồ hành chính thành phố Chí Linh
1. Chí Linh trước năm 905
Trong buổi đầu dựng nước, Chí Linh thuộc bộ nào, đến nay chưa có tài liệu ghi chép chính xác. Sau này, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi suy luận: “Hải Dương thuộc bộ Dương Tuyền ngày xưa, đông và tây giáp Kinh Bắc và Yên Quảng, bắc và nam giáp Thái Nguyên và Sơn Nam. Ấy là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía đông”[1]. Nằm trong vùng đất Hải Dương, có thể buổi đầu dựng nước, Chí Linh thuộc bộ Dương Tuyền?
Tiếp nối nhà nước Văn Lang, là thời kỳ nhà nước Âu Lạc. Phạm vi nhà nước Âu Lạc, cơ bản bao gồm cả miền Bắc nước ta và một dải miền nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Về cương vực, những ghi chép hầu như không đề cập đến vùng đất Hải Dương. Nhưng có thể thấy, về không gian giới hạn cương vực vùng đất là sự kế thừa theo cương vực thời kỳ nhà nước Văn Lang, nhưng có sự phát triển cao hơn về kinh tế, văn hóa.

Sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong thời gian độc lập ngắn ngủi (3 năm), nước ta lại rơi vào sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc (từ năm 42 đến năm 554). Nhà Hán vẫn giữ đơn vị hành chính với ba quận, chia làm 22 huyện. Hải Dương thời kỳ này, bao gồm phần đất hai huyện An Định và Bắc Đới. “Huyện An Định là phần đất phía nam thành phố Hải Dương hiện nay gồm các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, một phần huyện Phụ Dực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình và huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Trung tâm là vùng ngã ba sông Thái Bình, sông Luộc ngày nay. Huyện Bắc Đới thuộc đất thành phố Chí Linh, huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn ngày nay, trung tâm là vùng Phả Lại - Chí Linh”[2].
2. Chí Linh sau năm 905
Theo sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, “Chí Linh từ thời Trần về trước gọi là Bàng Châu”[3]. Địa danh Bàng Châu xuất hiện trong một số thần tích ở địa phương. Thần tích đình Thủ Chính (phường Đồng Lạc) ghi: làng Thủ Chính thời Hùng Vương là trang Thủ Chân, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách[4]; thần tích đình chùa Nội (phường Tân Dân) ghi: thời vua Lý Nam Đế làng Triều và làng Nội thuộc trang Đông Đôi, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương[5]. Sách Minh thực lục cho biết, sau khi đã diệt được nhà Hồ và chiếm cứ nước ta, ngày mồng 1 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (tức ngày 5-7-1407) nhà Minh đặt các phủ, châu, huyện thuộc Giao Chỉ, tất cả gồm 15 phủ và 5 châu lớn. “Phủ Lạng Giang gồm 3 châu: Lạng Giang, Nam Sách, Thượng Hồng. Bản phủ trực tiếp lĩnh 5 huyện: Thanh Viễn, Cổ Dũng, Phượng Sơn, Na Ngạn, Lục Na. Các châu dưới quyền gồm các huyện, Châu Lạng Giang lĩnh 4 huyện: Thanh An, Yên Ninh, Cổ Lũng, Bảo Lộc. Châu Nam Sách lĩnh 3 huyện: Thanh Lâm, Chí Linh, Bình Hà. Châu Thượng Hồng lĩnh 3 huyện: Đường Hào, Đường An, Đa Cẩm”[6]. Như vậy, tên gọi Chí Linh với tư cách là địa danh hành chính cấp huyện xuất hiện lần đầu tiên năm 1407 và ổn định tên gọi này từ đó đến nay.

Chí Linh trải qua nhiều thời kỳ thay đổi địa giới hành chính. Thời Lý - Trần, Chí Linh thuộc lộ Nam Sách. Từ năm 1407 - 1414, thuộc châu Nam Sách, phủ Lạng Giang. Năm 1415, Chí Linh thuộc phủ Tân An. “Ngày Bính Tuất, dời phủ lỵ Tân An, Giao Chỉ vào trong vệ thành Trấn Di, cho châu Nam Sách, huyện Chí Linh lệ thuộc vào. Trước đây, Nam Sách và Chí Linh thuộc phủ Lạng Giang; Đa Dực, Thái Bình thuộc phủ Tân An. Đến nay, ty Bố chính Giao Chỉ tâu rằng Nam Sách, Chí Linh gần phủ Tân An; Đa Dực, Thái Bình gần Trấn Man nên thay đổi cho tiện lợi”[7]. Thời Lê sơ, Chí Linh thuộc về Đông Đạo. Dưới thời Mạc và suốt thời kỳ xung đột Trịnh - Nguyễn cho đến hết triều Tây Sơn, Chí Linh thuộc trấn Hải Dương[8].

Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVIII, tổng Chi Ngãi và Trạm Điền thuộc phủ Lạng Giang. Tổng Chi Ngãi, gồm 7 xã: Chi Ngãi, Đại Bát, Yên Mô, Dược Sơn, Phục Thiện, Đại Tân, Hoàng Gián, đến đời Lê Ý Tông (1735 - 1740) chuyển về Chí Linh, Hải Dương. Tổng Trạm Điền đến đời Thành Thái năm thứ 12 (1900), chuyển về Chí Linh, gồm 3 xã: Trạm Điền, Vạn An, Trung Khuê (Trung Quê).

Năm 1800, Chí Linh có 7 tổng, 64 xã.
Bản đồ huyện Chí Linh trong sách Đồng Khánh dư địa chí
Năm 1893, thời vua Thành Thái, cắt ba tổng Nam Hà (nam sông Kinh Thầy) về Nam Sách gồm: tổng An Hộ, tổng Cao Đôi, tổng An Điền. Tổng An Hộ có 8 xã: An Quảng, Linh Khê, Lang Diện, Hộ Xá, Hà Liễu, Lê Xá, Điền Trì (Trực Trì), Tống Xá. Tổng Cao Đôi có 8 xã: Cao Đôi, Ngô Đồng, Tạ Xá, Lũng Động (Long Động), Trần Xá, Nguyễn Xá, Quảng Tân, Đột Lĩnh. Tổng An Điền có 9 xã: An Điền, Lâm Xuyên, Xác Khê, Cổ Pháp, An Định, Lâm Xá, Chi Điền, Điền Thượng, Phù Vệ. Các thôn Đồng, Pháp, Tiền, Trung thuộc xã Phù Vệ.

Năm 1900, Chí Linh có 7 tổng, 63 xã, dân số 27.880 nhân khẩu.

Năm 1925, có 6 tổng, 58 xã gồm:
+ Tổng Chi Ngại (11 xã): Bích Động, Chi Ngãi, Dược Sơn, Đại Bát, Đại Tân, Đỗ Xá, Hoàng Gián, Lôi Động, Phục Thiện, Thanh Tảo, Trúc Cương.
+ Tổng Cổ Châu (10 xã): Chí Linh, Cổ Châu Hạ, Cổ Châu Thượng, Đáp Khê, Linh Giang, Lý Dương, Nam Gián, Phao Sơn, Phao Tân, Tu Linh.
+ Tổng Đông Đôi (13 xã): Đông Đôi, Kỹ Sơn, Lạc Đạo, Lạc Sơn, Lục Dương Hạ, Lục Dương Thượng, Mạc Động, Mạc Ngạn, Miễu Thôn, Ninh Chấp, Tế Sơn, Thủ Chính, Vĩnh Trụ.
+ Tổng Kiệt Đặc (11 xã): Cù Sơn, Đoài Thôn, Hậu Quan, Đông Thôn, Hữu Lộc, Kiệt Đặc Thượng, Kinh Trung, Kỳ Đặc, Mật Sơn, Tường Thôn, An Hưng.
+ Tổng Trạm Điền (6 xã): Đá Bạc, Đại Bộ, Thanh Mai, Trạm Điền, Trung Khuê, Vạn Yên.
+ Tổng Vĩnh Đại (7 xã): Bích Nham, Bích Thủy, Cổ Kênh, Đông Xá, Khê Khẩu, Vĩnh Đại, Yên (An) Bài.
Ngày 1-5-1947, Chí Linh được sáp nhập về liên tỉnh Quảng - Hồng và có thêm 3 xã: Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội[9]. Tháng 9-1947, Chí Linh có thêm xã Hoàng Hoa Thám.

Từ cuối năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng ác liệt, phạm vi chỉ đạo của liên tỉnh Quảng - Hồng khá rộng, phong trào công nhân mỏ Hòn Gai có những nét riêng. Vì vậy, ngày 26-12-1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I quyết định chia liên tỉnh Quảng - Hồng thành tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai. Chí Linh trực thuộc tỉnh Quảng Yên[10].
1111
Bản đồ tỉnh Hải Dương (1947-1949)
Tỉnh Hải Dương khi đó gồm:
1. Thành phố Hải Dương
2. Phủ (6): Nam Sách, Kinh Môn, Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo
3. Huyện (7): Đông Triều, Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện
Màu vàng: Pacified - Vùng Pháp đã bình định
Màu xanh: Partly pacified - Vùng Pháp đã bình định một phần
Màu hồng: Not pacified - Vùng tự do của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

 
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), Chí Linh vẫn thuộc tỉnh Quảng Yên. Toàn huyện có 18 xã[11], 108 thôn và 1 thị xã Phả Lại[12].
Ngày 22-2-1955, Chí Linh chính thức trở thành một huyện của tỉnh Hải Dương. Tháng 1-1957, thi hành quyết định của Hội đồng Chính phủ, bàn giao các xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội về huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Xã Hoàng Tân chia tách thành 2 xã: Hoàng Tân và Hoàng Tiến. Toàn huyện, có 16 xã và 1 thị trấn Phả Lại, gồm 92 thôn và khu phố. Trong thời kỳ này, xã ngư nghiệp Kênh Giang được thành lập. Đến năm 1960, toàn huyện có 1 thị trấn, 17 xã, 110 thôn.

Ngày 26-1-1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Chí Linh là một trong 22 đơn vị hành chính (2 thị xã và 20 huyện) của tỉnh Hải Hưng. Cũng trong năm 1968, trước yêu cầu phát triển của Đảng bộ Nông trường chè Chí Linh, thị trấn Nông trường được thành lập làm nhiệm vụ quản lý hành chính.

Ngày 19-1-1974, cắt thôn Cao Đường từ xã Hưng Đạo nhập vào thị trấn Phả Lại. Ngày 27-3-1978, thị trấn Sao Đỏ được thành lập theo Quyết định số 52-BT của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và trở thành huyện lỵ của Chí Linh. Năm 1978, nhà nước có chủ trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại để cung cấp điện cho cả nước. Do yêu cầu của nhiệm vụ mới, bắt đầu từ nửa cuối năm 1978, phần lớn số dân của Phả Lại được di chuyển về khu vực Ba Đèo (Trại Rổ), thị trấn Sao Đỏ. Số dân còn lại, được cấp đất ở và làm nhà sinh sống tại thôn Cao Đường và các thôn Phao Sơn, Thạch Thủy, Bình Giang (xã Cổ Thành).

Ngày 16-1-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 19-CP về mở rộng thị trấn Phả Lại và điều chỉnh địa giới các xã Cổ Thành, Nhân Huệ[13], cắt tiếp các thôn Phao Sơn, Thạch Thủy, Bình Giang của xã Cổ Thành nhập vào thị trấn Phả Lại. Cắt các thôn Cổ Châu, Lý Dương, Đồng Tâm, Hòa Bình, các xóm An Thành, Linh Giàng, Tu Linh của xã Nhân Huệ nhập vào xã Cổ Thành.

Đến năm 1981, Chí Linh có 20 đơn vị hành chính, gồm 17 xã và 3 thị trấn (Sao Đỏ, Phả Lại, Nông Trường).

Ngày 1-1-1997, tỉnh Hải Hưng được chia tách thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Chí Linh là huyện miền núi (được công nhận từ năm 1993) của tỉnh Hải Dương, toàn huyện giữ nguyên số đơn vị hành chính với 172 thôn, khu dân cư (146 thôn, 26 khu dân cư).

Năm 2002, theo Nghị quyết số 09/NĐ-CP của Chính phủ, thị trấn Nông trường đổi tên thành thị trấn Bến Tắm và chính thức quản lý về lãnh thổ. Từ đây, huyện Chí Linh có 20 đơn vị hành chính gồm 3 thị trấn: Sao Đỏ (huyện lỵ), Phả Lại, Bến Tắm và 17 xã: An Lạc, Bắc An, Chí Minh, Cổ Thành, Cộng Hòa, Đồng Lạc, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hưng Đạo, Kênh Giang, Lê Lợi, Nhân Huệ, Tân Dân, Thái Học, Văn An, Văn Đức.

Ngày 12-2-2010, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập thị xã Chí Linh và các phường thuộc thị xã Chí Linh. Theo Nghị quyết, Chí Linh có 8 phường là: Sao Đỏ, Cộng Hòa, Phả Lại, Bến Tắm, Thái Học, Chí Minh, Văn An, Hoàng Tân; 12 xã là: Cổ Thành, Nhân Huệ, Tân Dân, Đồng Lạc, Văn Đức, An Lạc, Hoàng Tiến, Hưng Đạo, Lê Lợi, Bắc An, Hoàng Hoa Thám và Kênh Giang.

Ngày 10-1-2019, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2019) nhập hai đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương; sáp nhập xã Kênh Giang vào xã Văn Đức, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh là: An Lạc, Cổ Thành, Đồng Lạc, Hoàng Tiến, Tân Dân, Văn Đức. Sau khi nhập hai đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường và thành lập thành phố Chí Linh, thành phố có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường: An Lạc, Bến Tắm, Chí Minh, Cộng Hòa, Cổ Thành, Đồng Lạc, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Phả Lại, Sao Đỏ, Tân Dân, Thái Hoc, Văn An, Văn Đức và 5 xã: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nhân Huệ.

Ngày 1-9-2023, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thành phố Chí Linh chuyển khu dân cư Kênh Giang (phường Văn Đức) về thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); tiếp nhận xóm Lục Dong, thôn Lộc Sơn, xã An Sinh, thị xã Đông Triều nhập về phường Hoàng Tiến. Sau khi bàn giao, thành phố Chí Linh hiện có 155 thôn, khu dân cư.

Về huyện lỵ cũng thay đổi theo các thời kỳ lịch sử. Trước đây, huyện lỵ ở làng Tống Xá, phía nam sông Kinh Thầy (nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách). Đến năm Thành Thái nguyên niên (1889), huyện lỵ dời về làng Lạc Sơn (làng Thiên), xã Thái Học (nay là khu dân cư Lạc Sơn, phường Thái Học). Sau này, chính quyền thực dân Pháp cũng đặt phố Thiên thành trung tâm huyện lỵ, còn gọi là phố huyện Thiên. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các cơ quan của huyện sơ tán về Bắc Nồi làm căn cứ chính để chỉ đạo kháng chiến trong toàn huyện và Bắc Nồi cũng trở thành trung tâm trung tâm căn cứ kháng chiến của toàn tỉnh. Tháng 10-1954, huyện lỵ chuyển về Phả Lại. Tháng 12-1954, huyện lỵ chuyển lại về phố Thiên. Cuối năm 1961, huyện lỵ chuyển về Sao Đỏ cho đến ngày nay.
 
[1] Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, Hà Nội,1969, tr.128.
[2] Đỗ Văn Ninh (chủ biên), Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2007, tr.256-257.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Sđd, tr. 362.
[4] Thần tích đình Thủ Chính, phường Đồng Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tài liệu lưu tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
[5] Thần tích đình chùa Nội, phường Tân Dân, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tài liệu lưu tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
[6] Minh thực lục quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII, bản dịch, tập 1, Nxb. HN, Hà Nội, tr.214, 215.
[7] Minh thực lục quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII, tập 1, Sđd, tr.250.
[8] Triều Lý (1009 - 1225), triều Trần (1226 - 1400), triều Lê sơ (1428 - 1527), triều Mạc (1527 - 1592), thời xung đột Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672), triều Tây Sơn (1786 - 1802).
[9] Liên tỉnh Quảng - Hồng thành lập tháng 4 năm 1947 gồm: Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai, trong đó bao gồm các huyện: Cẩm Phả, Hoành Bồ, Yên Hưng, Thủy Nguyên, Cát Hải, Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Lục Sơn Hải.
[10] Tỉnh Quảng Yên gồm 07 huyện là: Yên Hưng, Cát Hải, Hoành Bồ, Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn và Lục Sơn Hải. Từ đây, Chí Linh trực thuộc Quảng Yên cho đến khi hòa bình lập lại.
[11] 18 xã gồm; Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tân, Lê Lợi, Cộng Hòa, Cổ Thành, Văn An, Nhân Huệ, Hưng Đạo, Chí Minh, Tân Dân, Đồng Lạc, An Lạc, Văn Đức, Thái Học, Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội. Xã Hoàng Tân bao gồm cả các thôn thuộc Hoàng Tiến ngày nay.
[12] Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Phả Lại là thị xã.
[13] Theo Quyết định số 19-CP của Hội đồng Chính phủ thì các thôn Phao Sơn, Thạch Thủy, Bình Giang của xã Cổ Thành sáp nhập vào thị trấn Phả Lại. Điều chỉnh địa giới của xã Cổ Thành và xã Nhân Huệ: Đưa các thôn Cổ Châu, Lý Dương, Đồng Tâm, Hòa Bình và các xóm An Thành, Linh Giàng, Tu Linh của xã Nhân Huệ sáp nhập vào xã Cổ Thành.

Tác giả bài viết: Theo Bản thảo sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Chí Linh (1930-2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,296
  • Tháng hiện tại11,455
  • Tổng lượt truy cập873,488
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây