Để giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng tộc họ Đồng, để chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, để khuyến khích và động viên con cháu trong việc học hành… Đặc biệt, để có điều kiện tìm hiểu một cách đầy đủ và toàn diện quá trình hình thành, phát triển cũng như quá trình lịch sử, truyền thống của họ Đồng thì chúng ta cần phải có một tổ chức để tập hợp, làm cầu nối, gắn kết các tộc họ Đồng trong cả nước lại với nhau và đề ra được những chương trình hoạt động cụ thể, tổ chức đó chính là Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam.
Vào những năm 60 thế kỷ XX, nhiều người Hà Nội còn chưa biết về họ Đồng Việt Nam. Chỉ đến khi tại nhà văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội có bản dịch tiếng Việt về những người đỗ tiến sỹ thời nhà Lê được vinh danh. Tiếp đến là tập sách “Văn bia Quốc Tử Giám, Hà Nội” được xuất bản; mặt khác, kể từ khi có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; người Việt Nam có điều kiện giao du khắp mọi miền đất nước, kể cả nước ngoài thì lúc đó xã hội mới biết đến là Việt Nam chúng ta có nhiều người họ Đồng nổi danh qua các thời đại.
Việc tìm hiểu về nguồn gốc dòng họ cũng như kết nối các chi Họ Đồng Việt Nam là tâm huyết của rất nhiều các thế hệ con cháu họ Đồng. TS. Đồng Xuân Thành (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) người đã và đang bỏ rất nhiều công sức và tâm sức trong gần 25 năm để nghiên cứu về dòng tộc họ Đồng Việt Nam; Ông Đồng Văn Đạo (gần 90 tuổi), Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Bắc; Ông Đồng Chí Nam, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên, cách đây 25 năm (1990) ở Kim Đính, Kim Thành để tập hợp và thành lập BLL họ Đồng Hải Dương và Hải Phòng. Đây là BLL họ Đồng sớm nhất Việt Nam do ông Đồng Chí Nam làm Trưởng ban và ông Đồng Tố Kim làm thư ký; Nhà nghiên cứu Đồng Thị Hồng Hoàn (Tiểu Trà, Hải Phòng), Đồng Ngọc Hoa (Trực Ninh, Nam Định)... và Đặc biệt, người đã có nhiều năm kết nối cội nguồn các chi tộc họ Đồng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc như ông Đồng Xuân Lợi (Hoa Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng); TS. Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Đồng Văn Trực (Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội)….
Ngày 09/8/2013, qua ông Đồng Xuân Lợi (Hoa Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng) và TS. Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam đã kết nối với một số anh em Họ Đồng, chủ yếu là những người đang sinh sống và công tác tại Hà Nội gồm: GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu Cần, Bộ Quốc phòng; PGS.TS. Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an; Thiếu tướng Đồng Văn Sơn, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công an; TS. Đồng Xuân Thành - Giảng viên trường ĐH công nghiệp TP.HCM; Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Tổng biên tập Báo tiếng nói Việt Nam (VOV); Ông Đồng Khánh Toàn (Bộ Công an); ông Đồng Văn Hùng (Bộ Quốc phòng); Ông Đồng Việt Sơn - Giám đốc Công ty Du Lịch Đà Lạt... đã thống nhất ý kiến lập ra một BLL lâm thời họ Đồng Việt Nam nhằm tập hợp các tư liệu lịch sử, tư liệu Hán Nôm (gia phả, thần phả), từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, về các danh nhân họ Đồng và sự hiện hữu của các nhánh, các tộc Họ Đồng ở các địa phương trên toàn quốc.
Sau gần một năm tập hợp và kết nối, ngày 15/6/2014 BLL lâm thời họ Đồng Việt Nam gồm 28 người chính thức ra mắt tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, TP. Hà Nội tại Buổi Giao lưu và gặp mặt Họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất.
Ngày 26/4/2015, tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Họ Đồng Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2020 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Về dự Đại hội có gần 500 đại biểu gồm: Các ủy viên BCH lâm thời họ Đồng VN, những người họ Đồng Việt Nam tiêu biểu, thành đạt, các Doanh nhân họ Đồng VN và đại diện Hội đồng Gia tộc các nhánh họ Đồng trên toàn quốc. Đại hội đã nhất trí thành lập Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam do GS.TS.Trung tướng Đồng Minh Tại quê ở Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần - BQP làm Trưởng ban; PGS.TS.Trung tướng Đồng Đại Lộc quê ở Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an - Phó ban thường trực; TS. Đồng Xuân Thụ quê ở Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam làm Tổng thư ký; Nhất trí với báo cáo kết quả và Phương hướng hoạt động của Ban liên lạc họ Đồng Viêt Nam nhiệm kỳ 2015-2020; Thông qua Quy ước Tổ chức và hoạt động của BLL họ Đồng Việt Nam; Xúc tiến việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Họ Đồng Việt Nam - Tập 1”; Thành lập Trang thông tin điện tử của Họ Đồng Việt Nam là tiếng nói của dòng họ để thông tin, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống và phổ biến những thành tựu đạt được đến đồng tộc trong nước và ngoài nước; Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ doanh nhân họ Đồng Việt Nam. Đặc biệt, tại Đại hội đã thống nhất đầu tháng 3 Âm Lịch hàng năm sẽ tổ chức ngày gặp mặt toàn thể và cầu siêu cho những người đã mất, các anh hùng liệt sỹ của họ Đồng Việt Nam.
Sau gần 5 năm đi vào hoạt động Ban Liên lạc Họ Đồng Việt Nam đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực:
1. Kết nối 164 chi tộc họ Đồng trên toàn quốc, xúc tiến thành lập BLL các xã, huyện, tỉnh, liên tình
Hiện nay, BLL họ Đồng Việt Nam đã kết nối được với 164 nhánh họ Đồng ở 25 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài việc duy trì các hoạt động đến thăm, giao lưu, với các chi họ, tham dự lễ giỗ tổ của các chi tộc, dự lễ khánh thành nhà thờ họ, dự tổng kết, triển khai công việc đầu năm của 1 số BLL chi họ Đồng địa phương..., BLL họ Đồng Việt Nam đã xúc tiến thành lập BLL họ Đồng Việt Nam các xã, huyện, tỉnh, liên tỉnh như:
+ Ngày 25/10/2015, Đại hội lần họ Đồng xã Bá Xuyên Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2020 .
+ Ngày 08/7/2017, Đại hội họ Đồng xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2017- 2022.
+ Ngày 14/4/2018, Đại hội đại biểu họ Đồng thành phố Hải Phòng lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2018-2023.
+ Ngày 15/9/2019, Đại đội đại biểu họ Đồng Nghệ Tĩnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019-2024
Ngoài ra, các BLL họ Đồng cấp tỉnh, TP, huyện, xã như: BLL họ Đồng TP HCM, TP. Đà Nẵng, TP. Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, BLL họ Đồng Gia Lai – KonTum; BLL lâm thời họ Đồng tỉnh Thanh Hoá, BLL họ Đồng xã Nghĩa Hoà (Lạng Giang, Bắc Giang) đã đi vào hoạt động và bước đầu các chi họ Đồng các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã kết nối như Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh,... tiến tới thành lập BLL họ Đồng các tỉnh Tây Nam Bộ.
2. Tổ chức thành công 4 lần Lễ hội cầu quốc thái dân an. Lễ cầu siêu cho những người họ Đồng đã mất và lễ tưởng niệm ngày thánh tổ Pháp loa Đồng Kiên Cường nhập niết bàn và gặp mặt bà con họ Đồng toàn quốc.
Theo Nghị quyết Đại hội họ Đồng toàn quốc lần thứ nhất năm 2015 và thể theo nguyện vọng của đông đảo các chi tộc họ Đồng cả nước, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân mới, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 Âm lịch (vào ngày Thứ bẩy hoặc Chủ nhật), họ Đồng Việt Nam chúng ta sẽ tổ chức buổi gặp mặt tại một địa điểm linh thiêng nào đó với mục đích:
- Một là, cầu chúc cho quốc thái dân an, đất nước cường thịnh, con cháu họ Đồng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trường tồn.
- Hai là, cùng nhau dâng hương, tưởng nhớ công ơn ông bà tổ tiên dòng tộc họ Đồng đã để lại phúc đức cho muôn đời con cháu họ Đồng chúng ta ngày nay, đồng thời chúng ta cũng tưởng nhớ tới anh linh con cháu họ Đồng qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập hòa bình tự do cho tổ quốc Việt Nam hôm nay.
- Ba là, chúng ta tưởng niệm thánh tổ pháp loa Đồng Kiên Cương, nhập niết bàn. Thánh tổ pháp loa – Đồng Kiên Cương là người con của dòng tộc họ Đồng Việt Nam. Ngài sinh năm 1283 và mất năm 1330, quê Nam Sách, Hải Dương, đã xuống tóc đi tu, phò tá đức vua Trần Nhân Tông tu hành trên núi thiêng Yên Tử và cùng đức thánh tổ Trần Nhân Tông sáng lập và truyền bá Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo chính thống việt Nam ngày nay.
- Bốn là, giao lưu chia sẻ giữa các nhánh, các chi tộc họ Đồng ở các vùng miền, các tỉnh thành trong cả nước, tăng cường mối đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, giáo dục cháu con hướng về cội nguồn, hướng tới tương lai tươi đẹp.
Hoạt động này đã được duy trì đều đặn hàng năm từ năm 2015 đến nay:
1. Ngày 09/4/2016 (tức 3/3 Âm lịch), tại chùa Linh Thông, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội, tham gia Lễ cầu Quốc thái Dân an, tưởng nhớ Tổ tiên Họ Đồng Việt Nam và tưởng niệm 686 năm Thánh tổ Pháp Loa nhập niết bàn với sự tham gia của gần 1200 con cháu họ Đồng gần xa đã về tham dự Tại Lễ hội đầu tiên này, nhạc sỹ đại tá quân đội Lưu Ba đã sáng tác tặng bà con họ Đồng Việt Nam ca khúc Bài ca họ Đồng Việt Nam.
2. Ngày 26/3/2017 (tức 29 tháng 2 năm Đinh Dậu), tại Chùa Phúc Thắng, phường Ái Quốc, TP.Hải Dương đã diễn ra buổi gặp mặt, tưởng niệm 687 Trúc Lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa nhập niết bàn và tưởng nhớ Tổ tiên họ Đồng Việt Nam. Buổi lễ được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương cùng tham gia tích cực nên phần lễ hoành tráng hơn, phần hội vẫn theo mô hình cũ.
Tại lễ hội này, với gần 2.500 con cháu họ Đồng Việt Nam đã được nghe lời cảm tưởng của Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về hoạt động của Ban liên lạc và bà con họ Đồng Việt Nam đã làm hởi lòng hởi dạ bà con họ Đồng Việt Nam. Đó cũng là sức hút, sự lan tỏa trong hoạt động của bà con họ Đồng Việt Nam và Ban liên lạc trước con mắt của người ngoài tộc họ.
3. Ngày 15/4/2018, BLL họ Đồng Việt Nam phối hợp với BLL họ Đồng Hải Phòng, Chùa Linh Xuân đã tổ chức thành công Đại lễ cầu Quốc thái dân an, cầu siêu, tưởng niệm 688 năm, thánh tổ Pháp Loa, Đồng Kiên Cương nhập niếp bàn và gặp mặt giao lưu họ Đồng Việt Nam lần thứ 3, năm 2018 tại chùa Linh Xuân, thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng với gần 4000 người tham dự.
Lễ cầu siêu tại chùa Linh Xuân, Huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đầu năm 2018 đã diễn ra với kết quả hài hòa của 2 phần thể hiện tài tổ chức của nhà chùa cùng BLL họ Đồng Việt Nam và chúng ta cũng đã nhận ra rằng phần hội cần được bổ sung, cải tiến với nội dung và hình thức đổi mới hơn. Có thể nói, dấu ấn để lại trong lòng bà con họ Đồng Việt Nam sau lễ hội này vừa là kết quả tổ chức ngày hội với bài ca họ Đồng Việt Nam thứ hai xuất hiện, vừa là mô hình và cách tổ chức duy trì công trình và chăm sóc vườn cây trong chùa với sự tham gia của Phật tử địa phương còn đọng lại trong lòng du khách.
4. Lễ cầu siêu tại Đền Trình, thôn Dục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội được tổ chức vào ngày 07/04/ 2019 (tức ngày 03/03/âm lịch) trong không gian không phải là cơ sở Phật giáo vào thời gian mà tại địa phương và nhiều nơi khác trong vùng Hà Nội đang có dịch tả lợn Châu Phi. Bà con họ Đồng cả nước về đây đúng vào mùa trẩy hội chùa Hương nên còn có cảm nhận sâu sắc hơn về mô hình du lịch tâm linh. Phần hội còn diễn ra đêm dạ tiệc của hàng trăm người vào trước ngày hội. Với nội dung Đêm “Giao lưu ca nhạc ba miền Trung - Nam - Bắc” của bà con họ Đồng do một số người yêu thích lễ hội khởi xướng. Đêm dạ tiệc đã làm sôi động hơn không khí lễ hội chùa Hương năm 2019 và gợi mở nhiều hứa hẹn đối với lễ cầu siêu sẽ tổ chức vào đầu năm 2020 tại Cần Thơ.
Có thể nói, các lần gặp mặt càng về sau, quân số càng đông hơn (hơn 5000 người) chất lượng tổ chức càng tốt hơn. Điều đó cũng chứng tỏ tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn, cùng ý nghĩa, nội dung sâu sắc. Nó thể hiện nhu cầu, tình cảm của bà con cô bác trong dòng tộc họ Đồng VN toàn quốc. Đó cũng là sự kết nối, gặp gỡ, chia sẻ tình cảm của những người con cùng dòng tộc – một nét đẹp văn hóa truyền thống nghĩa tình, không chỉ có ở họ Đồng ta, mà còn là nét đẹp cội nguồn truyền thống dân tộc Việt Nam, của con cháu vua Hùng.
3. Tổ chức các hoạt động tri ân tổ tiên, các anh hùng liệt sỹ, giúp đỡ bà con trong dòng tộc gặp nhiều khó khăn
Hàng năm, BLL họ Đồng Việt Nam đã duy trì đều đặn các hoạt động thăm, giao lưu với các chi họ, tham dự lễ giỗ tổ của các chi tộc, dự lễ khánh thành nhà thờ họ, dự tổng kết, triển khai công việc đầu năm của 1 số BLL chi họ Đồng địa phương v.v...
Năm 2018, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã phối hợp cùng với CLB Doanh nghiệp họ Đồng Hà Nội; BLL họ Đồng TP.HCM vận động đóng góp xây dựng vườn tháp Pháp Loa Đồng Kiên Cương tại chùa Phúc Thắng, phường Ái Quốc, TP.Hải Dương với tổng số tiền là: 250 triệu đồng.
Ngày 26/10/2017, BLL họ Đồng Việt Nam đã đến thăm và trao 80 triệu đồng cho bà con họ Đồng dân tộc Thái bị lũ quét ở Yên Bái. Bao gồm: 27 hộ gia đình xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu và 33 hộ tại bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.Mỗi suất 1 triệu đồng. Riêng gia đình nạn nhân Đồng Thi Sơ bị lũ cuốn trôi 5 người: 8 triệu đồng; 4 gia đình bị trôi mất nhà cửa mỗi gia đình: 4 triệu đồng; 2 gia đình có nguy cơ sập mỗi gia đình 2 triệu đồng. Ngoài ra, BLL họ Đồng Việt Nam còn trao tặng một số quần áo cho các thành viên họ Đồng vận động đóng góp.Đặc biệt, nhánh tộc họ Đồng khu vực Chùa Hương, ngoài số tiền mặt 7 triệu đồng ra, còn trao tặng cho bà con 2 bản 230 kg gạo và 100 gói bột canh.
Đặc biệt vừa qua, BLL họ Đồng VN đã trao nhà tình thương cho 1 hộ gia đình họ Đồng có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi, trị giá 60 triệu đồng. Đây là món quà hết sức ý nghĩa do người con họ Đồng thành đạt, đó là GS. TS. Đại tá Công an Đồng Xuân Thọ - quê Hà Tĩnh, hiện đang công tác tại trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an tài trợ. Người được đón nhận món quà trên là gia đình ông Đồng Trinh Đây năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ngôi nhà đã khánh thành và bàn giao cho gia đình sử dụng từ nhiều tháng nay.
Từ năm 2017, BLL họ Đồng Việt Nam đã duy trì hoạt động tặng quà tri ân cho thương binh, gia đình liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên do kinh phí còn nhiều khó khăn, hoạt động này mới chỉ được tổ chức ở từng khu vực nhất định chưa nhân rộng ra cả nước. Chỉ tính riêng số liệt sỹ là con cháu họ Đồng, có khoảng trên 500 người, 2 anh hùng Liệt sĩ, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, chưa kể hàng ngàn thương binh thì việc thực hiện chính sách của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn, cần phải phát huy hơn nữa trong năm tới.
4. Thành lập CLB Doanh nghiệp – Doanh nhân một số giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, Các CLB Doanh nghiệp – Doanh nhân họ Đồng TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng,... đã được thành lập và đi vào hoạt động. Bước đầu đã kết nội và quy tụ được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhau sinh hoạt và hướng về các hoạt động của dòng tộc.
5. Tổ chức các hoạt động giao lưu con cháu họ Đồng nhân các ngày truyền thống Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà giáo Việt Nam, Doanh nhân Việt Nam, Tuyết Dương lịch, Tết Nguyên đán,...
Hàng năm, vào các ngày truyền thống Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà giáo Việt Nam, Doanh nhân Việt Nam, Tuyết Dương lịch, Tết Nguyên đán,... BLL họ Đồng toàn quốc và các tỉnh thành đều duy trì việc tổ chức gặp mặt, giao lưu để qua đó tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó đồng tộc.
ĐỒNG BÁ TUYẾN