Cái thời người ấy trong tôi
Một ngày không gặp đứng ngồi không yên
Biết là mình quá vô duyên
Gió đằng lưng cứ ngang nhiên đập vào.(*)
Người dưng ơi khổ làm sao
Càng giơ tay gạt càng dào dạt mong.
Ngước trông bảy sắc cầu vồng
Thắm mầu người nhạt rực hồng một ta
Đêm đêm những oán trăng già
Chẳng soi cho tỏ tình ta với người.
Thế rồi người ấy mù khơi
Thế rồi ta cũng thành người bến xa.
Ngày đi qua tháng đi qua
Nỗi xưa chỉ thoáng cơn mưa chợt về.
Cái ngày gặp lại bây giờ
Thấy thương thấy trách dại khờ: Đơn phương.
Năm 1998
__________
(*) Gió sao gió đánh đằng lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này (ca dao)
Thân tặng H.D
Em nhổ từng sợi tóc sâu
Thì thầm nói anh bạc đầu vì em.
Bàng hoàng anh ngước nhìn lên
Nhận ra em, nhận rõ thêm… lần đầu.
Mẹ tôi thường kể chuyện xưa
Một thời yếm thắm đung đưa mắt huyền
Thắt lưng bao lý làm duyên
Tứ thân – chiếc áo giữ nguyên một thời
Quyết trầu tô đỏ làn môi
Cau non say để hồng đôi má hồng.
Một thời con gái có chồng
Thủy chung nào dám tơ lòng với ai
Thức đầu hôm dậy sớm mai
Vo tròn chữ hiếu nặng vai chữ tình
“Đêm qua tát nước đầu đình”
Câu ca dao hát để mình người nghe.
Một thời thương đến xót xa
Củ khoai củ sắn lo qua tháng ngày
Chợ phiên mủng thóc không đầy
Đường quê mà lắm ăn mày đến xin
Kéo vành nón rách che nghiêng
Mẹ tôi giấu nỗi ưu phiền sẻ chia.
Một thời cờ rợp ven đê
Niềm vui độc lập tràn về xóm thôn
Bao áp bức bao oán hờn
Phút giây được giũ theo nguồn nước trong .
“Con cò lặn lội bờ sông”
Lời ru con hóa ru lòng mẹ tôi
Chẳng như thuyền thuận buồm trôi
Nổi chìm bao bận mẹ tôi chống chèo
Thương sao thương những cuối chiều
Bóng lưng còng mẹ đổ xiêu bóng đồi .
Biết thơ viết chẳng đủ lời
Chỉ mong mẹ khỏe như thời ngày xưa
Cái thời câu hát đò đưa
Yếm đào bao lý và chưa lấy chồng.
Năm 1998-1999
Chiều hôm thăm cụ Nguyễn Du
Nghe mênh mang vọng tiếng ru Thúy Kiều
Cảnh sao cảnh vẫn tiêu điều
Hắt hiu cơn gió thổi chiều se se.
Vẫn đây nấm mộ sè sè
Thấp cao ngọn cỏ nghiêng che hương tàn.
Thanh minh mà chẳng ríu ran
Vắng hoa tươi cũng vắng tàn giấy bay.
Án xưa thờ phụng nơi này
Không phơi sương lại như dày phong sương.
Trông lên đôi hạc mà thương
Mỏi mòn chân nhỏ theo đường thời gian…
Dạo xem nơi hội thi đàn
Chắc là nắng dội mưa tràn nhiều phen.
Phòng văn đóng cửa cài then
Trộm nhìn trang sách mờ chen bụi mờ.
Khóc người đâu đợi bao giờ
Nghiêng trang thơ gạt lệ chờ hôm nay.
Tháng 3-1998
Kính tặng nhà thơ Vũ Cao
Núi Đôi thủa trẻ tôi ngâm
Nhiều khi nước mắt ướt đầm hàng mi
Nghe đâu đây tiếng thầm thì
Anh trai làng ấy nói khi trở về.
Tình yêu ơi có bao giờ
Mà người đã mất vẫn ngờ còn đây?
Muốn cho lòng đất bớt dầy
Để người trong ấy ngoài này bớt xa,
Để anh tới để người ra
Để lối sườn núi lại ta đi về.
Núi Đôi, hai ngọn liền kề
Xin cơn “bình địa” đổ về nơi đây.
3-1992
Đời đã mất những vần thơ
Còn tôi mất một nhà thơ trong đời.
Gió tung xác chữ tơi bời
Trong tôi còn lại khoảng trời trống trơ.
Mưa vùi nốt chút tình thơ
Để tôi chiều sớm ngẩn ngơ ra vào.
Giã từ không một tiếng chào
Vầng trăng úa đã lọt vào trái tim!
Chỉ vì tay giở nhầm trang
Nên giờ em chịu muôn vàn đắng cay
Trời thì cao đất thì dầy
Kêu đâu thấu được nỗi này, ngoài em
Muốn ăn sung rụng: ngồi thềm
Em tìm sung rụng khắp triền núi non.
Mải đi tìm mặt trời con
Thấy vành trăng khuyết ngỡ tròn, lạ thay.
Sương mù lại tưởng mưa rây
Đang đem khăn đội lại bày nón che.
Mò thuyền đưới đáy lòng khe
Gặp cây gỗ mục sắt se nỗi lòng.
Những mơ lặng bể mênh mông
Nào hay đen bạc bão giông tình người
Quặn đau thấy cảnh nghịch đời:
Dòng sông quặt ngược ngọn đồi quay ngang.
Mỗi lầm lỗi mỗi bàng hoàng
Nhận ra lọn tóc bạc ngang mái đầu.
8-1990
Chiều nào thăm đất Ngải Sơn(*)
Ra về dùng dắng nỗi buồn chia tay.
Cảnh trời vẫn cảnh trời đây
Ngẩn ngơ đứng dáng bóng cây thẫn thờ
Ngang trời mây bạc lửng lơ
Hồ chiều mặt nước mịt mờ sương buông.
Chùa xa văng vẳng tiếng chuông
Người xưa dấu cũ bên đường còn đây.
Vẫy chào tay lại hạ tay
Thoảng trong cơn gió lắt lay bóng hình.
9-3-1990
______
(*) Tên miền đất tại làng cổ Đường Lâm, Hà Nội.
Tôi về trước bạn về sau
Như con đường có chiếc cầu phải qua.
Nào ai tránh khỏi tuổi già
Chỉ mong mình được như là tre xanh
Dẫu thân về cõi mong manh
Có măng ấm bụi ra cành tốt tươi.
Hát câu giã bạn “người ơi”
Mà lòng lưu giữ muôn lời nhớ nhung.
Phù du một kiếp khôn cùng
Kiếp người sắc sắc không không một đời.
Tàn đêm còn chút sao rơi
Tàn đời liệu được mấy người nhớ chăng?
Trong đêm tối nhớ Chị Hằng,
Giữa ban ngày sáng ánh trăng hóa mờ.
Là thôi khúc hát bây giờ
Ru ta về với bến bờ riêng ta
Gửi ngày và tháng năm qua
Vào trong hoài niệm cho ta hát cùng.
Năm 1999
Kính viếng hương hồn HD
Người đi chiều ấy đổ mưa
Trắng trời nước, trắng đường đưa, trắng buồn.
Dù bao nước đổ mưa tuôn
Làm sao giũ được nỗi buồn người ơi!
Dịp giỗ 49 ngày
Kính tặng miền đất Nghệ Tĩnh.
Tôi về thăm lại nơi xưa
Một ngày nắng tưởng như chưa bao giờ
Hàng cây đứng lặng như tờ
Thoảng cơn gió lại đu đưa gió Lào.
Tôi về gặp lại tiếng chào
“Choa” “mi” “răng” “rứa” tiếng nào cũng vui.
Tôi về tìm chốn bùi ngùi
Chắp tay khấn lạy xin lùi nỗi đau .
Tôi về cùng bạn tìm nhau
Bát chè xanh chát đậm màu chất quê.
Thật thương trong nắng giữa hè
Dáng khom bóng chị đổ về lúa khoai.
Đất cằn thấm đẫm mồ hôi
Đã nuôi thành những lớp người trung kiên,
Đã nuôi bao bậc tài hiền
Để danh sáng khắp mọi miền gần xa…
Tôi về như thể về nhà
Bâng khuâng nỗi nhớ khi xa chốn này…
Kỳ Anh, 8-2001- Hà Nội 2011.
Người xưa
Tặng người xưa
Người xưa ánh mắt lung linh
Người xưa cái dáng cái hình mảnh mai,
Người xưa mái tóc thật dài
Người xưa đỏ mặt khi ai nhìn mình.
Người xưa tình đến chung tình
Đã yêu đổ quán xiêu đình vẫn yêu.
Người xưa nết ở phải điều
Nói lời nhỏ nhẹ làm nhiều người thương.
Người xưa đâu quản gió sương
Trong nghèo đói biết tìm đường ấm no.
Người xưa không nghĩ đắn đo
Thật tâm chia sẻ chẳng lo đáp đền.
Người xưa cũng chẳng thể quên
Lời răn dạy – bậc Thánh hiền ngày xưa.
Bây giờ tìm bóng người xưa
Gặp mênh mông chỉ gặp thừa mông mênh.
2003-2011
ĐỒNG THỊ CHÚC
Đối với tôi, thơ là người bạn tình gần gũi chân thật nhất nên tôi làm thơ là để tâm tình với người bạn ấy, để bạn chia vui buồn cùng tôi những khi sóng gió cuộc đời.
Tôi bao giờ cũng tâm niệm một điều là thơ chưa đi vào lòng người là thơ cảm xúc chưa chín, chưa thật .Sự gượng ép hoặc tự mình cố nặn ra bài thơ là vô tình đã giết đi tinh túy của thơ ca.
Càng ngẫm tôi càng tâm đắc quan điểm thơ của Bạch Cư Dị “Gốc của thơ là tình cảm” (*). Vậy muốn có thơ hay, trước hết phải tự rèn mình có tình cảm đẹp và quan trọng hơn là chỉ nên viết khi cảm xúc xuất hiện.
Thật hạnh phúc khi người viết được người đọc nhớ một câu thơ hay của mình. Biết được điều đó mà phấn đấu cả đời viết chắc gì đã đạt được.Chính vì vậy trong tôi đã hình thành một phương châm viết: ĐỪNG BẮT ĐỘC GIẢ NHỚ TÊN TÁC GIẢ .
Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO
Khi cầm tập thơ lục bát của Đồng Thị Chúc, tôi bỗng nhớ đến một thi sĩ họ Đồng khá nổi tiếng về thơ lục bát, đó là Đồng Đức Bốn. Có sự tương đồng gì đây giữa hai người đồng họ lại đồng chọn lục bát để viết thơ? Thơ lục bát Đồng Đức Bốn thì khen chê có cả, nhưng tựu trung lại là, những gì hay của nhà thơ này đều gây được ấn tượng mạnh cho người đọc. Còn Đồng Thị Chúc? Một cái tên khá xa lạ với tôi. Hình như cũng đã thấy thấp thoáng đâu đó tên chị trong một vài tập thơ tuyển. Nhưng khi đọc tập thơ lục bát của chị, thì tên chị và thơ chị như được lưu giữ lại trong cảm xúc của tôi.
Đồng Thị Chúc viết lục bát như không khó khăn lắm. Dòng mạch thơ thường trôi chảy một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. Vần điệu cũng rất tự nhiên như không phải cố ý sắp xếp mà thành. Thỉnh thoảng có những thanh bằng trắc sái luật, nhưng như thế mới hợp với tình cảm đang nghẹn lại trong chị.
Không biết ngoài đời chị sống có vui không, chứ đọc thơ lục bát của chị toàn thấy yêu thương và chát đắng. Làm thơ có người nhìn vào niềm vui, có người nhìn vào nỗi buồn. Cái tạng tâm hồn của chị không viết thơ vui được. Nhìn ai, nhìn đâu chị cũng thấy thương, thấy khổ, thấy bao nhiêu bất hạnh cập kề rình rập. Đó là cái tạng của người đa đoan, người nặng lòng, người hay khóc một mình, nhưng lại cũng rất dễ thương người và sẵn lòng chia sẻ.
Biết là thế cũng bằng không
Mà sao cứ tự vò lòng mãi thôi
Câu thơ như không. Như thốt ra thì nó đã là thơ. Ấy là cái chất “nữ tính” rất đáng quý của người phụ nữ chân quê tiềm ẩn tự bao giờ. Cũng như mẹ ta vậy, thương chồng thương con mà cứ lẳng lặng dấu kín vào lòng để rồi nhiều khi phải khóc thầm trong đêm vắng. Người mẹ yêu của chị cũng vậy thôi. Cũng nhiều nỗi lo toan vất vả vì chồng con trong cái nhìn chia sẻ của chị:
Một thời thương đến xót xa
Củ khoai củ sắn lo qua tháng ngày
Chợ phiên mủng thóc không đầy
Đường quê mà lắm ăn mày đến xin
Kéo vành nón rách che nghiêng
Mẹ tôi giấu nỗi ưu phiền sẻ chia.
Và câu thơ chị như cũng đổ nghiêng theo bóng mẹ:
Thương sao thương những cuối chiều
Bóng lưng còng mẹ đổ xiêu bóng đồi
Phụ nữ làm thơ về phụ nữ thường dễ gây xúc động, vì họ cùng phận nên dễ chia sẻ những nỗi niềm sâu kín. Họ làm thơ về mẹ, về chị, về em gái, về bạn gái cũng như làm thơ cho chính mình. Đồng Thị Chúc cũng vậy, những lúc đau buồn lại thường nghĩ về những người cùng phận. Chị viết về cô Thanh chị gái của Bác Hồ: “Chẳng là người mẹ yêu thương/ Thì làm người chị trọn đường vì em”. Viếng một người em, thơ chị nghẹn ngào không kìm được tiếng khóc: “Còn bao nhiêu tiếng thương yêu/ Gọi tên em tưởng cả chiều rơi theo”. Và với chị gái, Đồng Thị Chúc như nghe được cả tiếng lòng thổn thức của người chị cô đơn:
Đơn côi chỉ có một mình
Chị ngân nga khúc ca tình: tự thương.
Nhạc hòa là tiếng gió vương
Lắng nghe là cỏ bên đường non tơ.
Này đây là khúc đợi chờ
Tuổi xuân chị hát đến giờ vẫn say.
Ngân dài là khúc cao dầy
Công cha nghĩa mẹ mong ngày đền ơn.
Thầm thì điệp khúc trong đêm
Chiến trường xưa bạn bè yên dưới mồ.
Khúc thương tặng chị bây giờ
Một mình với cả bốn bề lặng thinh.
Tả tiếng nhạc mà tả được tiếng lòng. Đoạn thơ khiến ta nhớ tiếng đàn “Trong như tiếng hạc bay qua” của nàng Kiều bạc mệnh, nhưng tiếng nhạc lòng của người chị ở đây như quyện cả riêng chung tràn đầy thương cảm.
Câu thơ này lại gợi một cảm thương khác, một cảm thương hết sức chân quê:
Thật thương trong nắng giữa hè
Dáng khom bóng chị đổ về lúa khoai…
Điều làm tôi chú ý về người thơ chân quê này là chị chỉ sống ở quê không nhiều. Hết tuổi học phổ thông, chị đã được đi du học nước ngoài và trở thành kỹ sư từ Đại học công nghiệp Kim Sách, thủ đô Bình Nhưỡng. Trở về nước chị được điều vào quân đội, phục vụ việc xây dựng lăng Bác, rồi chuyển ra công tác tại Viện Đo lường Quốc gia cho đến khi nghỉ hưu. Mấy dòng “trích ngang” đó như không liên quan lắm đến thơ chị trong tập thơ đầy “riêng tư” này. Vâng, có lẽ chị chỉ thường làm thơ khi có những cảm xúc thầm kín day dứt, ám ảnh mình. Và vì vậy thơ chị như một “âm bản của nước mắt” cuộc đời cùng những ám ảnh ấu thơ.
Nhiều nhà thơ đã làm thơ khóc Nguyễn Du, còn chị thì đã khóc khi đọc những trang Kiều trước khi đến thăm quê cụ Nguyễn Tiên Điền và làm thơ về cụ. Đó là một bài thơ day dứt lòng người trước cảnh tiêu điều hương tàn khói lạnh:
Phòng văn đóng cửa cài then
Trộm nhìn trang sách mờ chen bụi mờ.
Khóc người đâu đợi bao giờ
Nghiêng trang thơ gạt lệ chờ hôm nay.
Có lẽ vì yêu người thơ, yêu thơ đến mềm lòng như thế mà chị làm thơ. Nhưng làm thơ in báo, in sách rồi mà lại phải “đoạn tuyệt thơ” đến nỗi “Giã từ không một tiếng chào/ Vầng trăng úa đã lọt vào trái tim!”. Đâu phải vì thơ có lỗi hay vì người thơ phụ bạc thơ! Có một tác động nào đó từ bên ngoài làm cho nhà thơ nhận ra “lỗi lầm” của mình?
Sương mù lại tưởng mưa rây
Đang đem khăn đội lại bày nón che.
Mò thuyền đưới đáy lòng khe
Gặp cây gỗ mục sắt se nỗi lòng.
Nhưng nào đoạn tuyệt nổi thơ, Đồng Thị Chúc lại làm thơ “Khóc thơ” như để thanh minh cho nỗi lòng yêu thơ trong trắng:
Nén lòng giữ chặt tiếng hờ
Giấu đầu trong những trang thơ ướt đầm
Còn đây những khúc vừa ngâm
Lắng sâu tình mẹ âm thầm tình anh
Nghĩa chồng vợ vẫn nguyên xanh,
Ấm êm tình chị, trong lành tình quê.
…
Nỡ nào đắp mộ chôn Người
Lại xin nuốt cả muôn lời vào trong.
Và những bài thơ lại thầm kín ra đời. Đó là thơ về tình yêu ban đầu, về tình đơn phương, về “người xưa”. Đó là thơ viếng vọng bạn trai, thơ “ru người về hưu”, thơ “về miền nắng gió” và thơ “tự bạch”. Thực ra thì thơ của Đồng Thị Chúc đều là thơ tự bạch của lòng mình, một tấm lòng chân thật, giản dị và nhiều mộng mơ, lãng mạn. Nhưng đọc bài “Tự bạch” ta thấy đường đời của chị cũng lắm dốc đèo và nhiều biến cải. Nhưng rồi chị cũng đã vượt qua được tất cả cùng với những mơ ước bình thường của những thân phận bé mọn trong cuộc sống. Vì vậy mà “Tự bạch” của chị lại chia sẻ được với nhiều người cùng phận:
Tháng năm trĩu nặng vai gầy
Thương mình hèn phận lại dầy gió sương.
Những nhiều biến những ít thường
Những cao dốc đứng những đường trường xa.
Những đêm điểm tiếng canh gà
Những ngày thân kiến bước ra tha mồi.
Những nắng dãi những mưa rơi
Vẫn cần mẫn với mong đời giầu lên…
Khép lại tập thơ “Lục bát dâng tặng người xưa” ta thấy rưng rưng về một nữ phận đa cảm, đa đoan, chân thành, hồn hậu và giàu nghị lực để vượt qua số phận. Và ta cũng thấy một khả năng lục bát như được sinh ra từ hồn quê chân mộc nhưng cũng đầy trải nghiệm trường đời. Đó là những riêng tư mà chị muốn gửi lại cho người khi đã “Nhận ra lọn tóc bạc ngang mái đầu”.
Ý kiến bạn đọc