Trang nghiêm Lễ giỗ tổ họ Đồng Việt Nam, Lễ Tưởng niệm 695 năm Thiền sư Pháp Loa nhập niết bàn.
Chủ nhật - 30/03/2025 03:104920
Ngày 29/3/2025, tại chùa Khải Nam, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, BLL họ Đồng Việt Nam long trọng tổ chức Lễ giỗ tổ họ Đồng Việt Nam, Lễ Tưởng niệm 695 năm Thiền sư Pháp Loa nhập niết bàn (1330-2025).
Đàn lễ iỗ tổ họ Đồng Việt Nam, Lễ Tưởng niệm 695 năm Thiền sư Pháp Loa nhập niết bàn.
Tới dự có buổi đại lễ có đại biểu đại diện UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Sầm Sơn; UBND, Ủy ban MTTQ phường Quảng Tiến; về phía Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, Trụ trì chùa Khải Nam;… cùng các Đại đức, tăng ni, Phật tử phật tử họ Đồng cả nước và tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu tham dự buổi đại lễ
Về phía BLL họ Đồng Việt Nam có Trung tướng. GS. TS. Đồng Minh Tại – Trưởng ban Liên lạc họ Đồng Việt Nam; Trung tướng, GS. TS. Đồng Đại Lộc, Phó ban Thường trực BLL họ Đồng Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại hội cùng các ông/bà là phó ban liên lạc họ Đồng Việt Nam, Ủy viên BLL họ Đồng Việt Nam; Trưởng ban, phó ban, ủy viên BLL họ Đồng các tỉnh, TP: TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, TP. Chí Linh, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ - Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện các dòng họMai, Lê, Trịnh, Huỳnh – Hoàng, Đỗ (Đậu) cùng gần 2000 bà con họ Đồng đến từ 185 chi họ Đồng trên cả nước.
Dòng họ Đồng tự hào có truyền thống hiếu kính tổ tiên “Chim có tổ, người có tông”, có danh nhân - khoa bảng, có văn quan - võ tướng ở các thời kỳ; đặc biệt là có truyền thống tu hành. Nhiều người đã trở thành danh nhân, hào kiệt. Tiêu biểu như: Đệ Nhị tổ Pháp Loa - Đồng Kiên Cương đã làm rạng danh cho lịch sử Phật giáo Việt Nam; các tiến sĩ được lưu danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, hàng vạn con cháu họ Đồng trên khắp vùng miền của đất nước đã đóng góp một phần công sức, xương máu trong cuộc kháng chiến. Trong đó hơn 700 liệt sĩ, gần 100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với hàng nghìn thương binh, bệnh binh là con cháu họ Đồng.
Ở các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, quân đội, công an, văn hóa, có rất nhiều người họ Đồng Việt Nam thành đạt. Hiện nay, họ Đồng có 6 giáo sư, 12 phó giáo sư, hàng nghìn tiến sĩ, thạc sĩ; nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú, doanh nhân thành đạt. Có 5 người được phong quân hàm cấp tướng, hàng trăm người được phong quân hàm đại tá, thượng tá.
Đến nay, họ Đồng Việt Nam đã kết nối được 185 chi nhánh họ Đồng ở 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các chi tộc họ Đồng tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi hướng về dòng tộc nguồn cội và hoạt động xã hội, từ thiện.
Tại buổi lễ, Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã cung tuyên tiểu sử Thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương)- đệ nhị Tổ thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thìn (1284) ở hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông là thiền sư thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là tổ sư thứ hai, sau Thánh tổ Trần Nhân Tông.
Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban liên lạc họ Đồng Việt Nam cung tuyên tiểu sử Thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương).
Từ nhỏ, ông đã có những đức tính khác thường, không nói lời độc ác, không ăn thịt cá. Năm 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi du hành khắp miền thôn quê phá bỏ các miếu thờ thần không chính đáng và bố thí đồng thời có ý tìm người nối dòng pháp. Khi Phật hoàng đến mạn sông Nam Sách, Đồng Kiên Cương đến lễ bái xin xuất gia. Phật hoàng thấy làm lạ bảo “Đứa bé này có đạo nhân, sau này ắt sẽ thành bậc pháp khí”.
Phật hoàng đặt tên là Thiện Lai và gửi đến tu học với Hòa thượng Tính Giác. Năm 1305, Đồng Kiên Cương được Phật hoàng cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ Tát, ban hiệu là Pháp Loa. Mùng Một tháng Giêng năm 1308, Phật hoàng chính thức trao truyền ngôi tổ thứ hai phái Trúc Lâm cho Thiền sư Pháp Loa tại chùa Siêu Loại.
Thiền sư là người đầu tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo các hệ phái thời Trần, thiết lập một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất. Đồng thời đã quy tụ và chinh phục được các hàng vương tôn quý tộc khiến cho họ tín nhiệm quy y và ủng hộ hết mình trong việc xiển dương Phật pháp.
Cùng với trao truyền giới pháp, thiền sư có công khai sơn các cảnh chùa, kiến tạo tăng xá và xây dựng các ngôi bảo tháp. Đồng thời chú trọng các hoạt động xã hội từ thiện hướng đến nhân dân và người nghèo khó. Đêm mùng 3 tháng 3 năm Canh Ngọ (1330), Pháp Loa viên tịch tại Thiền viện Quỳnh Lâm, trụ thế 47 tuổi, 23 tuổi đạo.
Đại đức Thích Chân Thường, (Thế danh Đồng Xuân Tuấn), Trụ trì Chùa Linh Xuân, TP. Hải Phòng Ủy viên Ban Liên lạc điều hành phần thực hiện các nghi lễ tâm linh
Đại đức Thích Minh Hậu, (Thế danh Đồng Minh Phúc), trụ trì Chùa Ông và Chùa Long Hoa, tỉnh Hưng Yên thực hiện các nghi lễ tâm linh tại buổi lễ
Tại đại lễ, các vị đại biểu khách quý, khác mời, các thành viên Ban Liên lạc họ Đồng và bà con họ Đồng cả nước đã cùng nhau dâng nén tâm hương lễ Phật, cúng Tổ cầu nguyện cho âm siêu dương khánh, quốc thái dân an, dòng họ Đồng ngày một đoàn kết, vững mạnh và phát triển.
Các đại biểu thực hiện nghi thức tâm linh tại buổi lễ